Đến nhà của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung vào một ngày Hà Nội se lạnh, chúng tôi ấn tượng bởi khoảng sân rộng, cây cối xanh tốt và cách bài trí đồ đạc trong tư gia. Không gian nơi đây khiến người ta dễ dàng cảm nhận được sự cổ kính và trong mát, không khói bụi của Hà Nội một thời. 

Là người con đất Hà Thành, trong tim bà Tuyết Nhung luôn đầy ắp kỉ niệm về những món ngon Hà Nội từ căn bếp của mẹ. Bà mời chúng tôi ăn món cuốn cùng nước chấm thanh mát chính tay bà tự làm rồi kể về những kỉ niệm khó quên. 

Món cuốn hòa quyện cùng nước chấm thanh mát chính tay nhà báo Tuyết Nhung làm. 

Nhớ da diết căn bếp đầy mùi khói thời bao cấp

Từng công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội trong lĩnh vực văn hóa, ẩm thực, nhà báo Tuyết Nhung truyền cho bao thế hệ tình yêu Hà Nội, yêu nét thanh lịch và các món ăn ngon của người Hà thành. 

Nhà báo Tuyết Nhung truyền tình yêu ẩm thực Hà Nội cho nhiều thế hệ.

Một trong những kí ức khiến bà mãi không quên đó là căn bếp thời bao cấp, căn bếp của mẹ. Đó là tất cả ước mơ xưa của những đứa trẻ “háu ăn”, chỉ trông chờ món ngon mỗi bữa cơm gia đình.  

“Những gian bếp thanh bạch được thu xếp khéo léo dưới gầm cầu thang, ngoài hành lang, góc ban công của các khu nhà tập thể, các hộ dân cư. 

Thời đó, bếp than, bếp dầu, bếp điện may xo gắn liền với các hộ dân như vậy. Ai dùng bếp than thì phải nhóm lửa, khói bay khắp khu. Ai dùng bếp dầu phải khêu bấc, thay bấc... Mùi mắm muối, đồ ăn quá lửa, mùi ẩm mốc lẫn khói dầu, khói than tổ ong cứ bốc lên nghi ngút khó tả", bà kể.

Bà Tuyết Nhung nhớ nhất là căn bếp tối mờ của gia đình: "Căn bếp lúc nào cũng mờ ảo ánh sáng của bóng đèn đỏ vì bố tôi rất tiết kiệm điện. Bếp nhà tôi đun than, đun củi, đun mùn cưa... Từ căn bếp ấy, gia đình chúng tôi đã có rất nhiều bữa cơm ngon do bàn tay bà, mẹ làm nên. Hương vị của những món ăn từ căn bếp của mẹ, tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ”. 

Cũng chính từ căn bếp ấy, bà Nhung được bà, được mẹ truyền dạy cho những bài học về nữ công đầu tiên. Mẹ dạy bà cách vo gạo, đãi gạo, nhặt rau, nhóm lửa... Bà say sưa làm, rồi trở thành người yêu công việc bếp núc lúc nào không hay. 

Đối với bà Nhung, căn bếp của mẹ không chỉ là nơi để nấu ăn mà còn là nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp của gia đình. Nó chứng minh cho một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn khó khăn từ khi Hà Nội mới giải phóng đến thời kỳ bao cấp. 

Kỉ vật trong gian bếp khiến nhà báo Tuyết Nhung nhớ da diết ông bà, bố mẹ. 
Chiếc muôi nhôm méo mó từ ngày xưa được bà cất giữ cẩn thận. 

"Tôi nhớ hình ảnh mẹ ngồi nhóm củi trong bếp, khói mù. Tôi nhớ những bữa ăn cơm độn sắn, khoai, những nồi cá, thịt kho độn su hào, măng, củ cải... Dù phải chia phần ăn với nhau nhưng ai cũng vui vẻ, ăn uống say sưa, cười nói rôm rả, hạnh phúc nhường nào", bà Nhung nhớ lại.

Thương căn bếp xưa của mẹ, những kỉ vật như chiếc mâm bằng đồng, bộ đĩa đàn, chiếc muôi nhôm đã méo, chiếc ống bơ đong gạo, chiếc tráp trầu khảm trai bịt đồng... vẫn được bà cất giữ riêng một nơi ở phòng khách. Mỗi lần nhìn chúng, bà lại không thể nào quên hình ảnh người mẹ của mình cặm cụi ngồi trong gian bếp. 

Mẹ là người thầy đầu tiên

Trong cuốn sách “Đặc sản bốn phương hội tụ”, nhà báo Tuyết Nhung viết về các món đặc sản vùng miền có mở đầu bằng cụm từ “kính dâng mẹ”.

Với tác giả, mẹ chính là người thầy đầu tiên, là người đã trao truyền cho bà tình yêu bếp núc, yêu ẩm thực Hà Nội. Có được những tư liệu để viết sách không chỉ là một quá trình tìm hiểu công phu mà còn là nhiệt huyết trong tim của người con đất Hà thành. Bà biết ơn tất cả những bài học tình yêu, cuộc sống mẹ đã chỉ dạy cho các con, các cháu. 

Bà Tuyết Nhung bên những kỉ vật từ căn bếp của mẹ. 

“Mẹ dạy tôi cách vo gạo, đãi gạo, nhặt rau làm sao cho sạch. Nhặt rau muống phải cấu sát gốc rau non trên cùng để khi rửa rau không bị nhạt. Ngày trước, rau có nhiều bèo, khi rửa phải kê một chân lên đáy chậu để bèo trôi đi. Đôi bàn tay phải khéo léo rũ rau cho bèo nổi lên rồi gạt cho hết. Lúc luộc rau phải điều chỉnh lửa, nước sao cho rau xanh. Ở Hà Nội, luộc rau không cho muối. Nước rau phải thanh, nhạt mới chuẩn vị ngon.

Thời bao cấp, gạo nhiều sạn, trấu nên phải đãi. Thổi cơm là cả một quá trình từ khi vo gạo đến khi đổ nước nấu. Bàn tay phải luồn nhẹ nhàng, vớt nhẹ để lớp trấu và sạn ở bên trên tụ lại. Gạo hôi, mốc phải cho muối vào sát vài lần mới ăn được”, bà Nhung chia sẻ

Những kỉ niệm đó với bà Nhung là món ăn tinh thần có giá trị lớn. Tất cả được bà đúc kết trong hai cuốn sách “Hà thành hương xưa vị cũ” và “Đặc sản bốn phương hội tụ”. Các trang viết của bà được các nhà phê bình đánh giá cao. Đây chính là nguồn tư liệu quý mà một người có kinh nghiệm dày dặn như bà muốn truyền lại cho thế hệ trẻ. 

Ngày nay, được nấu nướng trong những căn bếp hiện đại, dùng bếp điện nhưng đôi lúc mùi củi ướt, mùi than, mùi khói… vẫn cứ hiện hữu trong tâm trí bà Nhung. Nó nhắc nhớ bà về giá trị truyền thống của gia đình, về lòng biết ơn cha mẹ và về một tình yêu với Hà Nội vĩnh viễn trong tim. 

Ảnh: Nhân vật cung cấp