Nghị quyết, bên cạnh những thành tựu, đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta, được xác định qua các kỳ đại hội gần đây. Quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong trận chiến này là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được nhân dân hết sức phấn khởi, tin tưởng.

luong.jpeg
Trả lương tương xứng sẽ góp phần vào chống “lậu”, góp phần vào công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Lây nay, vẫn râm ran chuyện “chạy”, “mua” bằng “quyển”, bằng “cục gạch” hay thậm chí bằng “valy”, làm người dân bình thường suy nghĩ, mông lung lắm.

Một cán bộ, công chức nhà nước với mức lương (cứ cho là) khoảng 10 triệu/tháng thì mất bao nhiêu năm mới có “quyển”, hay “valy” để “chạy”. Vì vậy có thể hiểu tại sao nhiều người sau khi “đắc cử” phải tìm cách thu hồi “vốn” nhanh bằng con đường tham ô tham nhũng hoặc lạm dụng quyền lực, quản lý sai trái vì mục đích tư lợi. Tổ chức đó sẽ đi về đâu nếu như vị trí lãnh đạo được xây đắp bằng tiền?

Lựa chọn, cất nhắc người trở thành lãnh đạo của một tổ chức là cả một quy trình, trong đó bao gồm nhiều tiêu chí phải đặt ra. Theo quy định hiện hành, tiêu chuẩn về tư tưởng, đạo đức, trình độ, năng lực đối với cán bộ các cấp phải dài vài chục cái gạch đầu dòng. Nếu ai đó đảm bảo tốt tất cả những tiêu chuẩn này phải là bậc xuất chúng.

Quan sát những người lãnh đạo cấp cơ sở, chỉ cần là người cầu thị, cầu tiến, có trách nhiệm, vì lợi ích tập thể thì tôi thấy họ thường đạt được thành công một cách đáng khâm phục. Họ phải dành thời gian, sức lực, trí tuệ của bản thân gấp nhiều lần người bình thường, thậm chí có người đôi khi phải hy sinh, đánh đổi cuộc sống cá nhân để hoàn thành tốt mục tiêu của tổ chức.

Vậy họ làm lãnh đạo để làm gì? Có rất nhiều động cơ khiến một người lựa chọn và theo đuổi con đường làm lãnh đạo. Nhưng tôi nghĩ, trước hết đó cũng là một nghề và người làm nghề thì cần phải có lương, có thu nhập để đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình.

Vậy mà nhìn vào bảng lương hiện nay, chắc không ít người giống tôi phải dụi mắt mấy lần. Mức lương hiện nay của lãnh đạo cao cấp là 22,5 - 23,4 triệu đồng, cấp bộ trưởng khoảng 18 triệu đồng.

Ngoài mức lương, các chức danh lãnh đạo được hưởng thêm một số phụ cấp kèm theo. Giả định tổng thu nhập (lương + phụ cấp) gấp đôi mức lương như trên, vậy có xứng đáng để các vị lãnh đạo phải lao tâm khổ tứ, vắt kiệt tâm sức để lo cho dân cho nước trong khi gia đình người thân của họ cũng phải chịu nhiều thiệt thòi?

Lãnh đạo càng cao thì đòi hỏi sự hy sinh, đức hạnh và năng lực càng lớn. Khi đó họ trở thành người của nhân dân, của đất nước chứ không phải của gia đình và bản thân họ. Nhất là trong bối cảnh đời sống người dân còn nghèo nàn, lạc hậu, họ càng phải “đứng mũi chịu sào”, gánh vác trọng trách nặng nề để đưa đất nước thoát nghèo, thoát khổ.

Làm lãnh đạo thời nay đầy khó khăn, thách thức, áp lực bủa vây vì mục tiêu của tổ chức ngày càng cao, kì vọng của nhân dân ngày càng lớn, trình độ dân trí tăng, việc giám sát xiết chặt, tai mắt dư luận khắp nơi, sai lầm là vô “lò” như chơi. 

Hiện có tình trạng nhiều người bỏ cơ quan nhà nước ra làm ngoài vì sự chênh lệch về mức lương quá lớn và sự khác biệt về cơ chế làm việc, đãi ngộ. Nếu môi trường quản lý nhà nước không đủ “lành” cho “chim đậu”, không đủ “trũng” để hút nhân tài thì đó là khiếm khuyết của quản lý hành chính công.

Nhiều người cho rằng, hiện nay, nhân tài không thiếu, nhưng nếu ai vừa có tài vừa có túi tiền to thì người đó được cất nhắc. Họ vẫn làm lãnh đạo tốt và đưa tổ chức đi lên. Tuy nhiên, như một quy luật thường tình, một người đã phải bỏ ra nhiều tiền để lên chức thì quá trình làm việc của anh ta là quá trình theo đuổi mục tiêu “thu hồi vốn” và phải có “lãi”. Khoản lãi kếch xù tạo nên cơn sốt mua bán “ghế” quyền lực.

Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, nhưng tôi nghĩ nó cũng là căn bệnh phái sinh từ cơ chế chính sách không phù hợp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xây dựng cơ chế để không thể, không dám, không cần tham nhũng”. Chủ thể của “ba không” này là các vị lãnh đạo nhưng để họ đạt được “ba không” đó, trách nhiệm không phải của riêng họ.

Thời gian qua, trên mặt trận chống tham nhũng ở nước ta có những trận đánh lớn, liên tiếp và tạo những tác động tích cực. Nhưng cũng thật chua xót vì tham nhũng, hối lộ là “giặc nội xâm”, là hệ luỵ của trình độ nhận thức và tư duy lệch lạc, môi trường thiếu minh bạch.

Dù lòng tham và tính tư hữu là bản chất của con người, nhưng nếu sống trong môi trường liêm chính, minh bạch, công bằng, con người sẽ tự khắc thích nghi. Vì vậy, việc giáo dục nhận thức, kiểm tra giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh là những giải pháp cấp bách và liên tục. Bên cạnh đó, giải pháp căn cơ và đảm bảo công bằng là cần phải tăng lương và các chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Thực tiễn tại nhiều quốc gia, việc trả lương cao cho lãnh đạo không chỉ chứng tỏ một nền kinh tế vững mạnh mà còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong nhận thức, tư duy biện chứng trong sự vận động và phát triển.

Nước ta còn nghèo, chưa thể làm thoả mãn vật chất như các nước tiên tiến nhưng vẫn cần phải có “ngưỡng” của nó. Đạt đến “ngưỡng” có thể chấp nhận được trong điều kiện nhất định, con người sẽ an tâm hơn để làm việc một cách có trách nhiệm, tập trung hơn cho chuyên môn thay vì chỉ bày binh bố trận để mua quan bán tước.

Tôi nghĩ, tất cả người dân, những người đóng thuế đều mong muốn các vị lãnh đạo mức lương cao xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra và có thể giúp họ yên tâm công tác. Đó là việc cần làm, phải làm bởi nó trực tiếp quyết định chất lượng nhân sự, tác động đến sự phát triển nhanh và bền vững của quốc gia. Trả lương tương xứng sẽ góp phần vào chống “lậu”, góp phần vào công cuộc chống tham nhũng hiện nay.

Đỗ Hải