Lương 3,4 triệu không đủ sống

Đề cập thực trạng lương công chức, viên chức không đủ sống, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhận xét, một sinh viên mới ra trường có mức lương khoảng hơn 3,4 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, lương trung bình một công chức nước ta khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mức lương này cách khá xa so với các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan 56,7 triệu đồng, Malaysia 29 triệu và Campuchia 17 triệu.

Bà đặt câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ thu nhập thế giới?” và khẳng định rằng, cần ưu tiên cho chính sách tiền lương; cần coi trả lương là hình thức đầu tư cho con người. “Đất nước không thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết muốn cống hiến nhưng cần chính sách đủ mạnh, tạo niềm tin cho người lao động”, bà Mai nói.

Vấn đề đại biểu nêu lên đã được đặt ra hàng chục năm nay mà vẫn không có lời giải hữu hiệu.

Cách đây gần 4 năm Bộ Nội vụ cho biết, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách, bao gồm cả các đối tượng chính sách, lên đến khoảng 11 triệu người. Trong số đó có khoảng 2,8 triệu biên chế công chức, viên chức hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.

Trước thực tế đó, đã có nhiều nỗ lực tinh giản biên chế tại cơ quan nhà nước, một số đơn vị sự nghiệp. Kết quả là đến năm 2021, giảm còn gần 2,77 triệu biên chế, đến cuối năm 2022 còn gần 2 triệu biên chế (khoảng 255 nghìn công chức, hơn 1,74 triệu viên chức).

Như vậy, số biên chế năm 2022 đã được cắt giảm tới 770 nghìn so với năm 2021 và 800 nghìn so với năm 2018.

Tinh giản biên chế nếu chỉ tập trung vào giới công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị quản lý thì sẽ khó đạt kết quả mong muốn trong khi chưa chắc đã đúng trọng tâm, thậm chí tạo gánh nặng cho những người ở lại bởi công việc của họ quá tải.

Trong khi đó, số lượng người hưởng lương ngân sách ngoài bộ máy công quyền mới chiếm phần lớn, lại tập trung ở nhiều tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp.

Lương công chức Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới? Ảnh minh hoạ: Thanh Hùng

Cải cách tiền lương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tinh giản biên chế được triển khai thực hiện trong nhiều thập kỷ qua nhưng dường như vẫn chưa mang lại kết quả mong đợi. Số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách còn quá nhiều, không chỉ lực lượng công chức.

Chi ăn đã hết phần lớn chi ngân sách

Bộ Nội vụ vừa đề xuất dành thêm khoảng 60 nghìn tỉ đồng phục vụ tăng lương ngân sách và các khoản an sinh xã hội. Trong đó dự kiến tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2023.

Dự toán tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển 726,7 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 102,9 nghìn tỷ đồng, chi thường xuyên lên tới 1.172,3 nghìn tỷ đồng, bao gồm chi trả lương và tinh giản biên chế, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022.

Báo cáocự toán ngân sách cung cấp số liệu về dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023, chi tiết theo lĩnh vực, trong đó có chi hoạt động cho các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể lên đến 46,9 nghìn tỷ đồng.

Rõ ràng mức chi thường xuyên như thế khá lớn, mức lương thấp bởi số lượng người được hưởng và nhận phụ cấp từ ngân sách còn quá nhiều. Ví dụ, một cơ quan nhà nước được cấp kinh phí khoảng 12 tỷ đồng mỗi năm mà chia cho 100 người thì trung bình mỗi người nhận được 10 triệu đồng/tháng, ít hơn so với chia cho 50 người thì mỗi người nhận được 20 triệu đồng/tháng.  

Cho dù Chính phủ cố gắng cải cách tiền lương, tinh giản biên chế nhưng quản lý nhà nước vẫn không theo kịp thực tế. Tăng lương mỗi lần không thấm vào đâu so với mức sống bình thường, lương chưa tăng thì giá đã tăng vọt.

Không ít người lấy cớ lương thấp để biện hộ cho “chân trong, chân ngoài” làm thêm nghề khác mới đủ sống. Trong không ít trường hợp, họ có hành vi phạm pháp, việc làm sai trái, đùn đẩy trách nhiệm. Thu nhập ít ỏi trở thành nỗi buồn với những người có năng lực chỉ hưởng lương ngân sách. Lương thấp cũng đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, lương hưu thấp. Tinh giản biên chế vô hình trung sàng lọc ngược, người có năng lực lại chủ động rời khu vực công.

Dễ dàng nhận thấy ngân sách vừa trả lương cho công chức, viên chức còn phải chu cấp cho lượng lớn nhân sự làm việc tại nhiều đơn vị và tổ chức chính trị xã hội, kể cả những ngành dịch vụ mang tên “công lập”. Số lượng người hưởng lương vẫn chưa thể giảm hoặc có giảm cũng không bao nhiêu, các gánh nặng đó đều đè lên ngân sách.

Điều này còn cho thấy, bộ máy bị cào bằng, cồng kềnh, khó thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý dù đã chi ăn rất lớn. Trong khi đó, ngân sách còn phải giải quyết nhu cầu dân sinh, hỗ trợ các vùng miền nghèo khó, tái đầu tư cho phát triển để nuôi dưỡng nguồn thu.

Đúng ra các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và hội, đoàn thể phải tự lo chi phí trả lương và phụ cấp cho người lao động nhưng lại được hưởng cùng quỹ lương với cơ quan nhà nươc, quản lý hành chính làm cho ngân sách ngày càng nặng gánh.

Kì tới: Khu vực công không thể ôm đồm        

Trần Văn Tường