- Bộ trưởng Trần Hồng Hà quán triệt, không để lợi dụng tạm nhập tái xuất để phế liệu vào Việt Nam khi chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nêu quan điểm tại cuộc họp liên ngành tìm giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển sáng 12/7.
Hàng ngàn container phế liệu dồn ứ tại cảng biển
Thông tin tại cuộc họp, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cảnh báo, từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến nhiều nước phát triển tìm kiếm thị trường mới và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới.
Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến hàng chục ngàn container dồn ứ ở các cảng biển Việt Nam |
Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa thời gian qua. Chưa kể, một lượng lớn hàng phế liệu được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển đến các cảng của nước ta.
Năm 2017, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Trong đó, khối lượng phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ hạt nhỏ tăng gấp 2 - 3 lần năm 2016.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Đình Thức: "Một số doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu phế liệu và các doanh nghiệp nhận ủy thác thường làm mọi cách để tìm kẽ hở của pháp luật để đưa các loại phế liệu không đúng quy chuẩn vào trong nước". |
Trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017.
Qua thống kê, tình trạng tồn đọng phế liệu ở các cảng biển đang khá nhiều, đặc biệt là ở TP.HCM, Hải Phòng... Cụ thể, tại Tân cảng Sài Gòn, tính đến hết ngày 26/6 có 4.480 container. Trong đó, riêng cảng Cát Lái là 3.464 container chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam, chủ yếu là phế liệu nhựa và giấy.
“Hiện nay, chúng ta chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu, chủ hãng vận tải biển quá cảnh trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu; giấy phép nhậu khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng, giao dịch kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp nhập khẩu, chủ hãng vận tải biển và nhà xuất khẩu nước ngoài. Nên khi có vi phạm về vận chuyển sai hàng hóa là phế liệu nhập khẩu hoặc vượt quy chuẩn cho phép hoặc gian lận thương mại thì không thể xử lý trách nhiệm của chủ tàu, chủ hãng vận tải biển”, ông Thức nói.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu phế liệu và các doanh nghiệp nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu thường làm mọi cách để tìm kẽ hở của pháp luật để đưa các loại phế liệu không đúng quy chuẩn vào trong nước.
Không để Việt Nam thành nơi chứa rác thải phế liệu
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nói sẽ báo cáo Chính phủ về thực trạng, tình hình, xu thế đối với vấn đề nhập khẩu, sử dụng phế liệu của những nước trong khu vực và nước ta.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không để lợi dụng tạm nhập tái xuất để phế liệu vào Việt Nam. |
Theo Bộ trưởng Hà, cần thiết lập ngay cơ chế trao đổi thông tin giữa các bên liên quan: Bộ Tài chính, TN&MT, Công thương, GTVT, Công an, Quốc phòng... và các cơ quan chuyên môn của địa phương.
Sẽ kiến nghị Chính phủ ngay để ngăn chặn hàng phế liệu tràn ồ ạt vào Việt Nam, cụ thể, với lô hàng nhập khẩu vào nước ta không chứng minh có giấy phép nhập khẩu thì cương quyết không cho nhập vào, không cho dỡ hàng lên cảng.
Đối với các hãng tàu, cần có văn bản thông báo rõ với các hãng tàu khi vận chuyển phải có đầy đủ các điều kiện, thủ tục, nếu không hãng tàu phải chịu trách nhiệm. Đây là biện pháp phòng vệ rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.
“Bộ GTVT, hải quan… cần đưa ra chế tài không cho phép thông quan, dỡ hàng nhập khẩu phế liệu nếu không có đầy đủ các thủ tục pháp lý, không có chủ, không có giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa này.
Đối với những container vô chủ, cần trả lại nơi xuất, truy xét trách nhiệm của chủ hàng. Ngoài ra, xem xét trách nhiệm của đơn vị, cá nhân giả mạo giấy tờ, kê khai thủ tục trên mạng ảo, người nhận ảo, địa chỉ người nhận ảo… Bộ Công an cần có phương án truy tìm người làm giả mạo giấy tờ hàng hóa phế liệu nhập khẩu để xử lý. Không để lợi dụng tạm nhập tái xuất để đưa núi phế liệu vào Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bữa cơm ruồi nhặng bâu kín: Chủ tịch xã thừa nhận bãi rác gây ô nhiễm
Bức xúc vì ruồi nhặng bâu kín mâm cơm, người dân sống gần bãi rác Phượng Hoàng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã ra chặn xe rác. Chủ tịch xã thừa nhận bãi rác gây ô nhiễm.
Đà Nẵng tạm dừng hoạt động 2 nhà máy thép gây ô nhiễm
Hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc tại Hòa Vang sẽ phải tạm dừng hoạt động để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.
Dựng lều, vây nhà máy gỗ vì ô nhiễm
Cho rằng nhà máy chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường, chây ì khắc phục, hàng chục hộ dân đã kéo đến trước cửa nhà máy dừng lều phản đối.
Hà Nội: Dân khốn khổ vì núi phế liệu chình ình giữa ngõ
Nhiều tháng nay, các hộ dân ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội khốn khổ vì núi phế liệu xây dựng chình ình giữa ngõ.
Kiên Trung