- Sáng 13/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế - Bộ NN&PTNT đã cùng tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống cúm A/H7N9.

Nguy cơ cao, người lớn tuổi cần cảnh giác

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến hết ngày 12/4, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên cả người lẫn gia cầm. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều lý do để lo ngại rằng cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát thành dịch lớn.

Theo PGS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì một trong những đặc điểm dịch tễ đáng chú ý của virus cúm A/H7N9 đang lưu hành ở Trung Quốc là độ tuổi mắc bệnh cao ở nhóm trên 60 tuổi, chủ yếu là nam giới.

{keywords}
Tỷ lệ gia cầm có virus cúm rất cao.

Tại Trung Quốc, trong tổng số 43 người nhiễm bệnh thì có tới 38 trường hợp tuổi từ 60 trở lên.

Hiện tại, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện giám sát chặt chẽ tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu thông qua theo dõi thân nhiệt bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa và hệ thống giám sát cúm tại cộng đồng. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên (nếu có) để kịp thời tổ chức cách ly và xử lý.

Bộ Y tế cũng đã tiến hành tổ chức tập huấn cho tất cả các tỉnh, thành phố về công tác giám sát, chẩn đoán, thu dung điều trị bệnh nhân.

Về công tác tuyên truyền, Bộ Y tế cho biết cần thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời đến người dân nhưng không gây hoang mang lo sợ.

Tỷ lệ gia cầm nhiễm các loại cúm rất cao

Báo cáo của Cục thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy: giám sát gia cầm tại 30 tỉnh, thành thì có tới 29 tỉnh, thành có virus cúm A; 23/30 tỉnh thành có virus cúm H5 và 20/30 tỉnh thành có virus cúm H5N1.

2 mẫu vịt tại An Giang và Đồng Tháp được phát hiện dương tính với virus cúm H7, tuy nhiên, không có mẫu virus cúm H7 nào của Việt Nam giống với virus cúm H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc hiện nay.

Kết quả giám sát cho thấy các tỉnh có tỷ lệ dương tính cao với virus cúm H5N1 là Thanh Hóa (10,4%), Đồng Tháp (6,5%), Tiền Giang (4,2%), Lạng Sơn (4%) và Hà Tĩnh (3,4%). Kết quả cho thấy từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, tỷ lệ dương tính cao hơn so với các tháng đầu năm.

Đối với các loại chim, ngoài đàn chim yến ở Ninh Thuận được phát hiện dương tính với virus cúm A/H5N1 thì còn có chim trĩ ở Tiền Giang cũng dương tính với loại virus này.

Cục Thú y cho biết, đã xây dựng và bắt đầu triển khai giám sát chủ động nhằm phát hiện xem có virus cúm A/H7N9 tại 60 chợ, điểm thu gom gia cầm thuộc 9 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định). Việc lấy mẫu này được thực hiện liên tục trong 4 tuần tới.

Trước mắt, trong tuần này, Cục Thú y sẽ xét nghiệm xác định virus cúm H7, H7N9 trong các mẫu đang lưu trữ tại Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, các mẫu chim yến ở Ninh Thuận và chim trĩ ở Tiền Giang.

Tình hình nhập lậu gia cầm vẫn được Bộ NN&PTNT đánh giá là khó kiểm soát. Đối với gia cầm sống, nhiều trường hợp được đưa về tập kết tại một nơi sâu trong nội địa như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên để nuôi tiếp, sau đó mới vận chuyển tới các địa phương khác để tiêu thụ.

Lập chương trình giám sát chung giữa 2 Bộ

Tại cuộc họp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, virus cúm H5N1 đang hiện diện trong nước, có tới 60% mẫu gia cầm xét nghiệm có virus. Ngày 9/4 vừa qua đã có một cháu nhỏ tử vong. Do đó, nguy cơ về dịch H5N1 là có thực và đáng lo ngại.

Theo ông Phát, để không có người bệnh thì đầu tiên gia cầm không mắc bệnh. Mục tiêu là không có dịch trên gia cầm thì sẽ không có dịch trên người. Muốn vậy cần có sự tham gia triệt để của người dân.

Với dịch cúm A/H7N9, ông Phát cho biết, Tổ chức nông lương Liên hợp quốc khuyến cáo chưa nên sử dụng vắc-xin đối với gia cầm. Do đó, các biện pháp cần triển khai ở thời điểm hiện tại là giám sát, an toàn sinh học tiêu độc khử trùng, chấm dứt buôn lậu.

Để hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Y tế thiết lập Chương trình giám sát virus cúm A/H7N9 giữa 2 Bộ để cùng phối hợp phòng, chống.

Cúm H7N9 ở Trung Quốc: 43 người mắc, 11 người chết

Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 13/4, cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã khiến 43 người mắc bệnh và 11 người tử vong.

Tính đến thời điểm này, theo thống kê của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã được tìm thấy trên gà, vịt, chim bồ câu, chim cút và người.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) khẳng định vẫn chưa xác định được nguồn và phương thức lây bệnh với cúm A/H7N9.

Tuy nhiên, phân tích gien cho thấy virus cúm A/H7N9 có những thay đổi để thích ứng với động vật có vú. Vẫn chưa có vắc-xin cúm A/H7N9, chưa có kinh nghiệm thực tế nào về điều trị cúm A/H7N9 bằng Tamiflu.

TS. Scott Newman đại diện của tổ chức FAO cho biết cúm A không lây truyền qua đường thức ăn chín, thức ăn an toàn và khuyến cáo người dân không nên sử dụng gia cầm ốm chết.

Cẩm Quyên

Các tin liên quan

Hàng ngàn người từ vùng dịch H7N9 đến Hà Nội mỗi ngày

Việt Nam chống dịch H7N9 từ sân bay

Cùng H7N9, nhiều dịch cúm trỗi dậy

Tìm ra nguồn gốc chủng cúm chết người H7N9

Số người nhiễm cúm H7N9 tiếp tục tăng tại TQ

H7N9 biến đổi nhanh gấp 8 lần virus cúm thường

Bộ trưởng Y tế kiểm tra việc chống A/H7N9 ở sân bay

Thêm 2 người tử vong do H7N9 ở TQ

Virus cúm A/H7N9 nguy hiểm vì có đột biến gien

Bộ Y tế kiểm tra phòng cúm H7N9 tại sân bay TP.HCM

Chợ gia cầm Trung Quốc là nguồn lây nhiễm H7N9

Trường hợp duy nhất khỏi cúm H7N9 nhờ uống Tamiflu

Nhiễm H7N9, bị chẩn đoán nhầm là viêm phổi

Kịch bản cúm A/H7N9 lan rộng ở Việt Nam

Nguy cơ cúm H7N9 thành dịch được chú ý nhất tuần