Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy phổ cập chữ ký số cho người dân phục vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương vừa được Sở TT&TT Bình Dương, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam và các CA công cộng ký kết.

Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy phổ cập chữ ký số cho người dân Bình Dương được các đơn vị ký kết ngày 22/6. (Ảnh: Đào Đức)

Dự kiến trong thời gian tới, dưới sự điều phối của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT, Sở TT&TT Bình Dương và các CA công cộng sẽ triển khai cấp miễn phí chứng thư số, đồng thời miễn phí cho người dân khi sử dụng chữ ký số cá nhân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Trước Bình Dương, NEAC và các CA công cộng cũng đã phối hợp để tổ chức cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái và TP.HCM.

Phó Giám đốc NEAC Phạm Quang Hiếu cho biết, đến nay Trung tâm đã cùng các cơ quan, đơn vị thực hiện tích hợp chữ ký số vào Cổng dịch vụ công của 17 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có Bình Dương.

Với riêng Bình Dương, đại diện NEAC cho hay, những năm gần đây, địa phương này đã luôn đi đầu trong phát triển kinh tế số, xã hội số. “Tôi tin tưởng rằng việc ký kết biên bản ghi nhớ sẽ là tiền đề để địa phương thúc đẩy công tác phổ cập chứng thư số đến đông đảo người dân trong tỉnh. Qua đó, đưa công cuộc chuyển đổi số tại Bình Dương đạt nhiều kết quả”, ông Phạm Quang Hiếu chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Bình Dương Nguyễn Hữu Yên mong rằng, thời gian tới các CA công cộng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong các hoạt động phổ biến kiến thức về chứng thư số đến người dân trên địa bàn tỉnh.

Chữ ký số cá nhân được các chuyên gia nhận định là một thành phần không thể thiếu trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. (Ảnh minh họa: Lan Anh)

Chữ ký số cá nhân được các chuyên gia nhận định là một thành phần không thể thiếu trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. 

Theo thống kê của NEAC, tính đến tháng 5/2023, trên toàn quốc, có gần 2,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, trong đó gần 1,6 triệu chứng thư số doanh nghiệp, tổ chức và 483.675 chứng thư số cá nhân, chiếm tỷ lệ lần lượt là 76,74% và 23,25%.

Để gỡ “nút thắt” về ứng dụng chữ ký số cá nhân, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai các nội dung công việc để các CA có thể cung cấp chứng thư số theo mô hình ký số từ xa. Tính đến cuối năm 2022, Bộ TT&TT đã cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số theo mô hình ký số từ xa cho 7 CA công cộng và ký số trên thiết bị di động (SIMPKI) cho 2 CA công cộng.