ởCanh Hiển là xã miền núi của huyện Vân Canh, đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về chuyển đổi số, thanh toán số chưa được nâng cao. Thời gian gần đây, các lực lượng đoàn viên, thanh niên xã Canh Hiển thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đến từng nhà vận động người dân dử dụng các thiết bị di động thông minh, cài đặt các ứng dụng số VNeID, Viettel money, đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, đăng ký dịch vụ công trực tuyến…

Tuyên truyền mạnh mẽ, đầu tư hạ tầng công nghệ cho người dân sử dụng 

Anh Phạm Thanh Tài - Bí thư đoàn xã Canh Hiển cho biết: “Người dân trên địa bàn sử dụng tiền mặt quen rồi, họ cảm thấy phiền phức, khó thực hiện khi sử dụng công nghệ số, thanh toán số. Để thay đổi tư duy, nhận thức, thói quen của người dân là rất khó. Chúng tôi trước mắt đang tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân”, anh Tài nói.

W-canh-hien-1.jpg
Đoàn thanh niên xã Canh Hiển tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: Diễm Phúc.

Bí thư Đảng Uỷ, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển Nguyễn Thành Đô thông tin, nhằm thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn, giữa tháng 10/2023, UBND xã Canh Hiển đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số xã Canh Hiển, ban hành kế hoạch triển khai thí điểm chuyển đổi số.

Qua đó, UBND xã Canh Hiển sẽ thực hiện các nội dung nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng bộ ở các cấp chính quyền địa phương và sự tham gia của toàn dân vào chuyển đổi số.

Đồng thời, xã này cũng đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp mạng LAN, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, máy tính đảm bảo cấu hình, năng lực của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng cho cán bộ, công chức tại UBND xã; Vận hành, quản lý đường truyền số liệu dùng chung cấp 2, kết nối toàn bộ các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; Sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình để thực hiện các cuộc họp trực tuyến.

Ngoài ra, Canh Hiển cũng từng bước triển khai các ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, hệ thống văn phòng điện tử, quản lý văn bản và điều hành trên thiết bị di động (Evernet), phần mềm quản lý công việc, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử… để xây dựng chính quyền số.

W-canh-hien-2.jpg
Xã Canh Hiển ký kết hợp tác triển khai mô hình chuyển đổi số - thanh toán số. Ảnh: Diễm Phúc.

Trên lĩnh vực xã hội số, xã Canh Hiển thiết lập kênh giao tiếp giữa xã và người dân thông qua mạng xã hội zalo, trang thông tin điện tử, ứng dụng công dân số để người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, hoạt động của chính quyền, giúp tăng cường sự tin tưởng, gần gũi giữ chính quyền và người dân. Đồng thời xã cũng triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh, thành lập bộ phận hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

 Người dân làm quen với thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử 

Xã Canh Hiển hiện đang tập trung vào phát triển kinh tế số, nhất là đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử trên địa bàn. Ông Nguyễn Thành Đô cho biết, UBND xã Canh Hiển đang tiến hành rà soát danh mục sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, làm các thủ tục pháp lý khác theo quy định để đưa các sản phầm lên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart…Đồng thời, hướng dẫn người dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; đẩy mạnh việc tuyên truyền rộng rãi, khuyến khích người dân tham gia vào các chương trình triển khai thương mại điện tử tại địa phương.

Xã Canh Hiển cũng bắt đầu triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ, cửa hàng kinh doanh, bộ phận một cửa, các doanh nghiệp...; triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử, từ đó giảm việc thanh toán bằng tiền mặt trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công, bán hàng, kinh doanh…

"Các lực lượng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân nhằm thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử, sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Phối hợp với các ngân hàng, đơn vị triển khai thanh toán điện tử", ông Nguyễn Thành Đô cho hay. 

Ngày 16/11, UBND xã Canh Hiển đã phối hợp với Viettel Bình Định tổ chức lễ ký kết hợp tác triển khai mô hình điểm về chuyển đổi số - thanh toán số toàn diện trên địa bàn xã Canh Hiển, giai đoạn 2023 - 2025. Hai bên đã thỏa thuận phối hợp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Viettel Bình Định sẽ hỗ trợ xã Canh Hiển triển khai các nội dung: Xây dựng chính quyền số gồm hạ tầng số và ứng dụng phục vụ chính quyền số; các giải pháp phát triển kinh tế số gồm thương mại điện tử, thanh toán điện tử; triển khai chữ ký số từ xa miễn phí đến cổng dịch vụ công cho 100% cán bộ công chức, viên chức, giáo viên và người dân có nhu cầu; trang bị truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP cho hộ kinh doanh trên địa bàn; thanh toán dịch vụ công và phát triển đơn vị thu hộ.

“Để thực hiện công tác chuyển đổi số, phải thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thanh toán số, bắt đầu từ các của hàng kinh doanh, tiến tới tiểu thương và phủ rộng ra toàn địa bàn. Hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vậy chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, ông Đô nói.

Diễm Phúc

Kỷ nguyên thanh toán số

Kỷ nguyên thanh toán số

Là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ.