Chuyển đổi số toàn diện, thực hiện sơ đồ hóa nội dung vụ án

Viện KSND huyện Tây Sơn (Bình Định) cho hay, khâu công tác đột phá của đơn vị là “Chuyển đổi số toàn diện, trọng tâm là thực hiện sơ đồ hóa nội dung vụ án hình sự, dân sự”.

Để thực hiện tốt điều này cốt lõi là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong hoạt động nghiệp vụ, tổ chức thực hiện chuyển đổi số toàn diện ở tất cả các lĩnh vực thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có, chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Trong những năm qua, Viện KSND huyện Tây Sơn đã sử dụng hiệu quả các hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống Thư điện tử công vụ…

Hướng đến việc giảm sử dụng văn bản giấy, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp và giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác, hiện nay đơn vị này đang thực hiện “phòng họp không giấy” trên môi trường mạng internet.

anh1 ậ.jpg
Viện KSND tỉnh Bình Định đang thực hiện “phòng họp không giấy” trên môi trường mạng internet.

Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng Microsoft Excel để quản lý Công văn đi, lịch công tác, lưu trữ, xây dựng Sổ công văn điện tử…nhằm theo dõi tổng hợp kết quả đầy đủ, chính xác nhất, rút ngắn được nhiều thời gian khi tình hình thiếu biên chế như hiện nay. 

Năm 2023, Viện KSND huyện Tây Sơn thực hiện khâu đột phá: “Thực hiện sơ đồ hóa nội dung vụ án hình sự, dân sự”. Báo cáo án bằng Sơ đồ tư duy là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, coi việc xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo án là phương pháp làm thường xuyên. Trong đó, cán bộ, Kiểm sát viên đơn vị đã sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau để xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo án như MindMaple Lite, Xmind… Từ báo cáo án bằng Sơ đồ tư duy, đơn vị này đã phát triển lên “Sơ đồ tư duy chứng cứ buộc tội, gỡ tội” tổng hợp toàn bộ chứng cứ, dự kiến tình huống phát sinh tại phiên tòa, phục vụ hiệu quả tranh tụng của Kiểm sát viên. 

Trong năm, đơn vị này đã số hóa tất cả các vụ tai nạn giao thông, vụ án mà hiện trường có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết án, số hóa 100% các vụ kê biên, cưỡng chế bán đấu giá tài sản, 12 phiên tòa có trình chiếu tài liệu được số hóa tại phiên tòa…

Theo Viện KSND huyện Tây Sơn, “chuyển đổi số toàn diện” góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ, khắc phục khó khăn do thiếu biên chế, nâng cao hiệu quả tất cả các khâu công tác kiểm sát, đảm bảo chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong tình hình mới.

Đơn vị này cho biết, năm 2024, sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin… Dưa ứng dụng Microsoft Office Excel trong quản lý tin báo, án hình sự tạm đình chỉ để thống kê và trong công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Nâng cao công nghệ thông tin cho cán bộ ngành Kiểm sát Bình Định

Vừa qua, Viện KSND tỉnh Bình Định đã phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Bình Định tổ chức khóa tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành.

Theo Viện KSND tỉnh Bình Định, khóa tập huấn giúp trang bị cho đội ngũ công chức, Kiểm sát viên, nhất là công chức trẻ kiến thức, kỹ năng về sử dụng Văn phòng điện tử (VPĐT), an toàn thông tin mạng và tạo mã QR code phục vụ phòng họp không giấy. 50 học viên tham gia, gồm các lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên thuộc Viện KSND hai cấp tỉnh Bình Định.

binh dinh1.jpg
Khóa tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ, Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Bình Định

Các giảng viên đã trình bày các chuyên đề như nâng cao kỹ năng sử dụng Văn phòng điện tử bao gồm: Hướng dẫn quản trị hệ thống; Hướng dẫn sử dụng VPĐT dành cho chuyên viên, văn thư cơ quan, lãnh đạo cấp Phòng, lãnh đạo đơn vị. 

Đồng thời tập huấn chuyên đề An toàn thông tin mạng với các nội dung như: Kỹ năng thiết lập máy tính an toàn; Bảo mật và kỹ năng phòng chống mã độc; Kỹ năng nhận biết, phòng, chống thư rác, thư giả mạo; Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, an toàn thông tin khi sử dụng mạng không dây công cộng; Hướng dẫn sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử an toàn; Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng; Tạo mã QR code phục vụ phòng họp không giấy…

“Các chuyên đề giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên nâng cao nhận thức, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao”, Viện KSND tỉnh Bình Định đánh giá.

Hồ Giáp