Được tái bản đầu năm 2024, cuốn sách bao gồm 4 chương trình bày về nguồn gốc xuất xứ của trà Việt và khẳng định Việt Nam là cội nguồn trà của thế giới bằng những luận chứng và tư liệu thuyết phục.

van minh tra viet 1.jpg
Cuốn sách được NXB Phụ nữ Việt Nam tái bản và phát hành trên toàn quốc. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam

Phần mở đầu cuốn sách, biên niên sử trà Việt được dựng nên từ những cứ liệu quý giá, chắt lọc, truy xét kỹ lưỡng, khai thác qua nhiều nguồn thông tin: dữ liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ, tác phẩm văn học, các truyền thuyết, phả lục và trên hết từ những nhân chứng, vật chứng sống còn đang hiển hiện quanh ta. 

Tiếp theo đó, phần 2 mô tả nghệ thuật thưởng trà độc đáo Việt với sự song hành của hai phong thái: uống trà dân gian giải khát và nghệ thuật thưởng trà bác học - cung đình kiêu sa và tinh tế.

Phần 3 tôn vinh nghệ thuật và văn hóa trà Việt qua nền trà cụ Việt độc đáo với hình thái đa dạng: trà cụ dân gian bản địa, trà cụ cung đình.

Trà cụ dân gian không chỉ gắn liền với hơi thở làng quê mà ăn sâu bén rễ vào tất cả mọi tầng lớp: từ cộng đồng cư dân nghèo khó đến tầng lớp trên giàu sang quyền quý, thậm chí cả ở giới tinh hoa.

Trong khi đó, trà cung đình lại mang hơi hướng khác biệt hẳn, chẳng những thể hiện sự tinh tế, độc đáo, chuyên biệt hóa cao mà còn luôn ẩn chứa nét sáng tạo, sang trọng, kiêu sa của giới quý tộc Việt.

Ở phần cuối, người viết tái hiện một bề dày về nghề khai thác, canh tác trà trải hơn 5000 năm của dân tộc Việt Nam vượt qua bao bão tố của lịch sử thông qua những vùng trà huyền thoại, những đặc sản trà tinh khiết chinh phục lòng người, khắc dấu ấn sâu đậm với bạn bè quốc tế.

maxresdefault-1.jpg
Tác giả Trịnh Quang Dũng. Ảnh: Yêu trà Việt.

Sau hơn 10 năm sưu tầm, tích lũy thêm nhiều tư liệu quý giá và đón nhận những phản hồi tích cực từ cộng đồng yêu trà Việt, tác giả đã bổ sung nhiều nguồn tư liệu và cứ liệu quan trọng.

Giờ đây, chân dung trà Việt hội tụ từ văn hóa trà Bách Việt dần được sáng tỏ hơn bao giờ hết. Kho báu vô giá trà Shan Tuyết cổ thụ Việt đã xuất lộ suốt một dải vùng Tây Bắc sang Đông Bắc Việt Nam, kéo tới Tây Nguyên, thậm chí hiện diện ngay tại khu vực châu thổ sông Hồng đã chứng minh Việt Nam là một trong những “cái nôi” phát tích hiếm hoi của cây trà trên thế giới. 

Nhiều tư liệu mới về nguồn gốc trà Đâm dân gian có từ thế kỉ III (TCN), hay hàng loạt chứng cứ văn hóa trà Bách Việt hội tụ về trà Việt qua tập tục trà của người Mông, Thái, Dao, Mường, Cao Lan, Hà Nhì, Sán Dìu… đã được sưu tầm. Những câu chuyện thú vị mới về trăm năm trà sen Trưởng An, về giống trà chờ Lồng Việt chiếm vị trí giống chủ đạo của vương quốc trà Ceylon (Sri Lanka) và “chân dung” chân thực của những vùng trà đầy quyến rũ.

Tác giả còn viết về một số nhân vật trẻ tuổi nhưng dốc lòng, dốc sức với cây chè như Đào Đức Hiếu, bỏ phố lên rừng, vượt cổng trời để bầu bạn với cây trà Shan Tuyết; ông Đặng Văn Minh,người trải qua bao đắng cay trong đời, nhưng chính cây chè Shan Tuyết đã đưa ông tới một cuộc sống mới… 

Văn minh trà Việt được xem như một công trình nghiên cứu thực sự giá trị về văn hóa, truyền tải những nét đẹp trong phong tục tập quán người Việt, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho một thời kỳ phát triển mới của trà, giúp chúng ta thêm tự hào về một đất nước Việt Nam đậm đà bản sắc.

Cuối cùng, cuốn sách mong muốn gửi tới độc giả thông điệp của người xưa về tác dụng của trà, được gói gọn trong lời “sấm” dạy của thần y Tuệ Tĩnh: “Trà khả thanh tâm giải nhiệt, ẩm nhất bát, vạn lự đốn tiêu - Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể, uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến”.

Tác giả Trịnh Quang Dũng sinh năm 1952 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Sofia Bulgaria 1975 và tu nghiệp sau đại học tại Viện Hàn lâm Khoa học CzechoSlovakia 1986-1987. 

Ông là nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chuyên gia đầu ngành điện mặt trời cho UNDP-VN, người tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời từ năm 1990, là chủ nhiệm nhiều dự án điện mặt trời quốc gia và quốc tế. Ông hiện là thành viên Ban Tư vấn - Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam.

Giao lưu văn chương Việt Nam - Đài Loan

Giao lưu văn chương Việt Nam - Đài Loan

Từ 14 -17/3/2024, nhận lời mời của Cơ quan Trao đổi Văn hóa Đài Loan - châu Á, và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học quốc gia Cao Hùng - Đài Loan, một đoàn nhà văn Việt Nam sẽ tới Đài Loan, tham dự Liên hoan Văn chương 2024.