Hiếm có dịp nào chỉ huy hải quân ba nước lớn Mỹ, Trung, Nhật được xếp ngồi cạnh nhau như tại hội nghị thiết bị và an ninh quốc phòng quốc tế (DSEI) vừa qua tại London. Nhưng cách họ "nắn gân" vấn đề Biển Đông rất khác nhau.
Ngồi cạnh Phó đô đốc hạm đội Bắc Hải, quân đội TQ Yuan Yubai là Chuẩn đô đốc hải quân Mỹ Jeff Harley, phó phụ trách các hoạt động hải quân, kế hoạch và chiến lược và kế cùng quan chức Mỹ là Phó đô đốc Umio Otsuka, hiệu trưởng trường Chỉ huy lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản.
Phó đô đốc TQ (thứ hai từ trái) và Phó đô đốc Nhật Bản Umio Otsuka. Ảnh: DefenseNews |
Defense One cho hay, các đại diện tham dự hội nghị đều chú tâm tới vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, Mỹ và Nhật đều phản đối việc TQ xây đảo nhân tạo.
Tờ này dẫn lời đô đốc Mỹ Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương từng khẳng định, các đảo này rõ ràng phục vụ mục đích quân sự.
Ngang ngược sở hữu Biển Đông
Ở hội nghị, đại diện TQ ngang ngược tuyên bố TQ sở hữu Biển Đông. “Biển Đông là vùng biển thuộc về TQ", Yuan Yubai quả quyết.
Phó đô đốc TQ cho hay, Bắc Kinh và Washington đang soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử trong trường hợp xảy ra các vụ máy bay chạm trán nhằm ngăn chặn những tranh chấp ở Biển Đông.
“Tôi tin là sau khi bộ quy tắc này được thông qua thành công, mọi nước láng giềng trong khu vực sẽ giao tiếp, thông tin tốt với nhau khi xảy ra những sự cố bất ngờ xảy ra", Yuan nói.
Phó đô đốc Yubai nhấn mạnh nhiều tới giao thương hàng hải tập trung vào ý tưởng mà Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đưa ra về việc xây dựng một mạng lưới các cầu cảng phục vụ giao thương toàn cầu.
Về phần mình, trong bài phát biểu, Phó đô đốc Nhật Bản Otsuka khéo léo mỉa mai lập luận của TQ bằng câu chuyện ngụ ngôn.
Ông Otsuka kể có một người phụ nữ nói với chồng rằng bà từng mơ thấy mình được tặng một chiếc nhẫn kim cương nhân dịp sinh nhật. Bà yêu cầu ông chồng giải thích về ý nghĩa của giấc mơ. Rồi đến ngày sinh nhật, người chồng tặng bà... quyển sách giải mộng.
Phó đô đốc Nhật nêu lên quan ngại về tình trạng TQ trưng dụng tàu đánh cá làm tàu dân quân để bảo vệ các hòn đảo nhân tạo trái phép này.
“Sớm muộn gì thì điều này cũng sẽ gây ra một cuộc tranh cãi về việc làm sao để giải quyết đụng độ giữa lực lượng quân sự và dân quân”, ông cảnh báo.
Ông còn cho rằng, các quy định luật pháp đang bị đe dọa ở tây Thái Bình Dương như trường hợp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo quan điểm của Tokyo, tranh chấp giữa TQ với nhiều nước ở Biển Đông đặt ra "một nguy cơ to lớn" với dòng chảy thương mại khu vực.
Ông nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong khu vực và tuyên bố "chúng tôi sẽ cung cấp khả năng ngăn chặn đáng tin cậy".
Khi Mỹ dịu giọng
Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Mỹ Jeff Harley cho rằng, việc quân đội TQ đang hiện đại hóa nhanh chóng có thể trợ giúp cho các nỗ lực Mỹ nhằm tăng cường an ninh hàng hải ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Theo ông, việc TQ mở rộng quân sự đặt ra "cả thách thức và cơ hội" hơn là đe dọa tới lợi ích Mỹ.
"Cơ hội là hải quân của họ có thể cung cấp các lợi ích truyền thống như an ninh hàng hải", Harley nói.
"Thách thức là TQ có cách hiểu, cách giải thích khá trái ngược về Luật biển. Nhưng dù sao tôi tin rằng, các nước đều mong muốn vấn đề được giải quyết một cách hòa bình".
Vào cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, Mỹ sẽ không bị ngăn cản bởi các hoạt động quân sự của TQ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Carter cũng chỉ trích mạnh mẽ việc TQ làm đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông đe dọa an ninh và áp chế các nước nhỏ hơn trong khu vực.
“Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác trong cấu trúc khu vực sẽ thực hiện các quyền của mọi quốc gia", ông nói.
Thái An (theo Breitbart, DefenseNews, USNI News)