Kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam

Ngày 24/5, Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) với chủ đề“Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) khai mạc tại Hà Nội.

Được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Vietnam - Asia DX Summit 2023 diễn ra trong 2 ngày 24, 25/5 với 6 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm nền tảng giải pháp số cùng các hoạt động kết nối giao thương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023. (Ảnh: M.Tuấn) 

Phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Chuyển đổi số không thể một người, một tổ chức hay một nước, một Chính phủ làm được, mà cần sự tham gia của tất cả mọi người, mọi thành phần thì chúng ta mới có tài nguyên số.

Nhận định tài nguyên số còn hơn “mỏ vàng”, Phó Thủ tướng chỉ rõ đây là một nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, sẽ thay thế tài nguyên tự nhiên, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên và thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá.

Phó Thủ tướng khẳng định, kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam. Việt Nam đang lựa chọn con đường phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. “Điều này là thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể đổi mới, thay đổi một cách cơ bản mô hình phát triển của mình. Từ đó, hướng tới nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, hướng tới phát triển kinh tế xã hội nhanh nhưng phải bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó có sự chuyển đổi của Chính phủ, với việc phát triển Chính phủ điện tử hướng Chính phủ số. Việc này đặt ra áp lực rất lớn, đó là Chính phủ phải xác định vai trò để chuyển đổi nhanh Chính phủ số, từ đó định hướng và dẫn dắt, là người lái con tàu chuyển đổi số, đưa kinh tế số, xã hội số cùng phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi liên tục, các doanh nghiệp cũng vận động liên tục. Các doanh nghiệp, các chuyên gia chuyển đổi số cần có trách nhiệm và chủ động tham vấn, xây dựng chính sách cùng Chính phủ.

“Chúng tôi cam kết Chính phủ sẽ luôn đồng hành, là một người tiêu dùng lớn, một hộ sẽ sử dụng lớn các sản phẩm của các doanh nghiệp để giúp cho Chính phủ có thể chuyển đổi số nhanh nhất, có đủ sức mạnh để dẫn dắt cả tiến trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam thông qua các sứ giả chuyển đổi số, qua những sản phẩm chuyển đổi số Make in Viet Nam”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Thúc đẩy hợp tác công tư trong tạo lập và khai thác dữ liệu số

Với Vietnam - Asia DX Summit 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, diễn đàn cần hết sức thẳng thắn, khoa học, cởi mở để đánh giá được những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua và đề xuất những việc Chính phủ cần làm nhanh hơn, kịp thời hơn, toàn diện hơn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm lưu ý các đại biểu về những nội dung trọng tâm cần tập trung thảo luận trong từng phiên chuyên đề của diễn đàn. (Ảnh: M.Sơn)

Thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phan Tâm tin tưởng rằng, với chủ đề “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, diễn đàn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực với năm dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số nói chung.

Trong đó, trước nhất diễn đàn giúp nâng cao nhận thức về dữ liệu và chuyển đổi số: Thông qua trao đổi trực tiếp, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, dữ liệu số. Nhận thức quyết định hành động, nhận thức đúng thì hành động sẽ trúng, tất cả cùng nhận thức đúng thì các hành động sẽ đồng hướng, cùng vì một Việt Nam số.

Thứ trưởng đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cần thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong thể chế mà thực tiễn mình gặp phải, kiến nghị và đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoàn thiện thể chế, đặc biệt đối với việc chia sẻ và khai thác dữ liệu số quốc gia, chuyển đổi số quốc gia. “Chuyển đổi số thì hoàn thiện thể chế là quan trọng và thể chế phải đi trước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, diễn đàn là nơi các tổ chức, doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, thiết lập phương thức, cơ chế hợp tác trong việc mở và khai thác dữ liệu; giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm ra cơ hội đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, hạ tầng số; là nơi các doanh nghiệp, tổ chức tìm kiếm cơ hội để đưa sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số đi ra nước ngoài…

Chủ tịch VINASA chia sẻ, dữ liệu thực sự là "mỏ vàng" và đây là lúc "mỏ vàng" bắt đầu lộ thiên. (Ảnh: M.Sơn) 

Theo Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia: “Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam”.

“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ nguồn lực, năng lực công nghệ, kinh nghiệm giải quyết các bài toán của quốc tế. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ bằng nội lực, làm chủ thiết kế, công nghệ lõi, và đang hợp tác chặt chẽ dần hình thành hệ sinh thái công nghệ số hoàn chỉnh cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.

Tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu quốc tế cũng đã chia sẻ những mô hình hợp tác hữu ích.

Đã xác lập 30 triệu tài khoản định danh điện tửĐây là số liệu được Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính và trật tự xã hội chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2023 (diễn ra ngày 24/5).