Những điều tra của Ủy ban châu Âu (EC) về việc chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp hàng tỷ Nhân dân tệ vào ngành công nghiệp xe điện chiến lược, giúp cho xe điện Trung Quốc tràn ngập các thị trường ô tô trên thế giới và độc chiếm phân khúc giá rẻ là hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một kỷ nguyên của ô tô Trung Quốc. Phải chăng, người ta đã quá coi thường ô tô Trung Quốc để nay phải “giật mình”?

Trong số hơn 5.000 công ty được niêm yết tại Trung Quốc đại lục, có 5 trong số 10 công ty nhận trợ cấp chính phủ nhiều nhất trong nửa đầu năm 2023 là các công ty sản xuất xe điện hoặc ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô điện, dựa trên tổ chức tổng hợp Wind và khảo sát của tờ The Nikkei. 

Đứng đầu danh sách là ông lớn về pin xe điện – Tập đoàn CATL, nhận tổng cộng 2,85 tỷ Nhân dân tệ từ trợ cấp của chính phủ, tương đương khoảng 391 triệu Đô la trong 6 tháng đầu năm, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chính phủ Trung Quốc có những sự ưu ái rõ rệt đối với ngành công nghiệp ô tô điện trong suốt nhiều năm qua. Ảnh: BYD.

EVE Energy, một tập đoàn sản xuất pin xe điện khác và là đối thủ trực tiếp của CATL cũng nằm trong danh sách với khoản trợ cấp 1,08 tỷ Nhân dân tệ, tăng gấp 4 lần so với năm 2022. 

Các đầu tư này cho thấy rõ ràng, Trung Quốc không chỉ đơn thuần đầu tư cho ngành công nghiệp sản xuất xe điện mà họ còn đẩy mạnh các ngành công nghiệp chế tạo phụ trợ, đặc biệt trọng tâm là ngành chế tạo pin Lithium-Ion dùng trong xe điện. 

Chiến lược này nhằm không chỉ phục vụ pin sản xuất xe điện trong nước mà hướng tới xuất khẩu, trở thành một thế lực lớn của ngành pin xe điện thế giới. Từ đó, công nghiệp sản xuất pin Trung Quốc dễ dàng thống lĩnh các thị trường và tác động đến các hãng xe có hợp tác ở nước ngoài.

3 cái tên còn lại trong số 5 nhà sản xuất liên quan đến ô tô điện được chính phủ Trung Quốc tài trợ nhiều nhất đó là các nhà sản xuất SAIC, BYD và tập đoàn ô tô nhà nước Changan. 

SAIC, nhà sản xuất ô tô nhận nhiều trợ cấp của chính phủ nhất, là một tập đoàn Nhà nước từng có sự hợp tác sâu rộng với 2 hãng xe là Volkswagen và General Motors. Song, giờ đây họ đang dần chuyển dịch sang tự khẳng định mình thông qua việc bắt kịp về phân khúc xe điện trên thị trường. 

BYD đã không còn xa lạ khi đây là hãng xe Trung Quốc nội địa đầu tiên lật đổ thế “thống trị” của Volkswagen trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường lớn nhất thế giới này kể từ năm 2023. Hãng đã nhận được 1,78 tỷ Nhân dân tệ do nhà nước trợ cấp, chỉ xếp sau SAIC và đã tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cuối cùng trong danh sách, tập đoàn ô tô Changan Trùng Khánh được chính phủ Bắc Kinh trợ cấp 856 triệu Nhân dân tệ với mục đích duy nhất được đề cập là “Hỗ trợ công nghiệp”. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) cực kỳ cứng rắn và sẵn sàng tạo ra một rào cản đối với xe Trung Quốc tương tự như chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) đã làm. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen trong bài phát biểu trước Ủy ban vào ngày 13 tháng 9 vừa qua cho biết rằng, tổ chức sẽ mở một cuộc điều tra về xe điện Trung Quốc với những cáo buộc về việc giá xe điện Trung Quốc thấp một cách “giả tạo” nhờ sự trợ cấp của chính phủ Bắc Kinh với mục tiêu là chiếm lĩnh thị trường và làm “méo mó” ngành công nghiệp ô tô châu Âu. 

Năm 2022, SAIC, CATL và Great Wall Motors (ô tô Trường Thành) nằm trong top 10 công ty nhận trợ cấp công nhiều nhất. Đại diện của Great Wall Motors trả lời phỏng vấn với tờ The Nikkei đã cho rằng thông báo của Ủy ban châu Âu đối với ô tô điện Trung Quốc là vô cùng đáng tiếc. Vì những khoản trợ cấp lớn mà các công ty ô tô nhận được từ quỹ công chủ yếu là do các địa phương tạo điều kiện dựa trên chính sách công nghiệp của họ, đáp ứng mục tiêu toàn cầu hóa. 

Cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu sẽ xác định xem có nên áp đặt mức thuế chống bán phá giá đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, tương tự như Đạo luật giảm Lạm phát của Mỹ hay không. 

Theo nhà phân tích Yanmei Xie của tổ chức Gavekal Research cho biết, cuộc điều tra này gần như chắc chắn sẽ phát hiện ra rằng nhà nước Trung Quốc trợ cấp để tạo điều kiện có lợi cho các doanh nghiệp về xe điện. Tuy nhiên vị này cũng đánh giá về quyết định có áp đặt lệnh tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu hay không còn tùy thuộc tính chất “chính trị”. 

Hùng Dũng (theo The Nikkei)