Loạt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh áp lực suy giảm toàn cầu và những bất cập nội tại trong nước, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại và tăng trưởng. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ. 

sản xuất.jpg
Doanh nghiệp vẫn cần được trợ lực. 

Ngày 14/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Dự kiến tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 110 nghìn tỷ đồng. 

Ngày 21/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo đó, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết ngày 20 tháng 11 năm 2023. Dự kiến tác động làm giảm thu NSNN khoảng 10,4 - 11,2 nghìn tỷ đồng. 

Tiếp đó, ngày 28/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự. Với Nghị định này, Chính phủ quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm 2023. Dự kiến tác động làm giảm thu NSNN 8 – 9 nghìn tỷ đồng. 

Theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm (Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV). Tại Nghị quyết này, Quốc hội chấp thuận giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%.

Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

Theo đó, gói hỗ trợ này áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (dự kiến tác động giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 20 nghìn tỷ đồng và tháng 1/2024 khoảng 4 nghìn tỷ đồng). 

Ngày 3/10/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023. Đối tượng áp dụng là “Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm”. Theo đó, mức giảm tiền thuê đất là 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với đối với đối tượng thuê đất nêu trên. Dự kiến tác động làm giảm thu NSNN khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành một số văn bản nhằm hỗ trợ giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. 

Theo tính toán, quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành năm 2023 nêu trên khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng).

Đến hết tháng 10/2023, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 163,8 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 57,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 106,5 nghìn tỷ đồng). 

Doanh nghiệp vẫn khó, cần cải thiện môi trường kinh doanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt đối với nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tình hình doanh nghiệp 3 quý đầu năm 2023 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn so với các năm trước. Tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; vốn đăng ký; và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, 10 tháng năm 2023, cả nước có 183,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn 2018-2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường trung bình gấp hơn 1,6 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi 10 tháng năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập thị trường chỉ gấp 1,3 lần so với số doanh nghiệp rút lui. Tỷ lệ này thấp hơn cả giai đoạn 2020-2021, giai đoạn cao điểm của Covid-19 (tỷ lệ 1,55%).

Ngoài những rủi ro do các yếu tố bên ngoài, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những bất cập nội tại trong nước, khiến chi phí kinh doanh cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. 

Chính vì thế, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển cần phải tiếp tục được chú ý. Những chính sách tài khóa đã phát huy tác dụng cần phải được tiếp tục và rút ra những bài học trong quá trình thực thi chính sách.

Phạm Lương Bằng, Huỳnh Tuấn Kiệt, Lê Bích Thủy, Hà Ngọc Dũng, Nguyễn Thành Huế

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV