Khi vòng quanh thế giới trong vài tuần qua, tôi liên tục được hỏi hai điều: Donald Trump có thể đắc cử tổng thống Mỹ không? Và làm thế nào mà ngay từ đầu ông ta lại có thể tiến xa đến thế?

Về câu hỏi thứ nhất, dù dự đoán chính trị thậm chí còn khó hơn dự đoán kinh tế, Hillary Clinton đang có lợi thế rất lớn. Tuy vậy, kết quả cuộc đua (ít nhất là đến tận gần đây) vẫn còn bỏ ngỏ: Clinton là một trong những ứng cử viên tổng thống chất lượng và được chuẩn bị tốt nhất trong lịch sử nước Mỹ, còn Trump thì ngược lại. Hơn nữa, chiến dịch tranh cử của Trump vẫn tiếp tục bất chấp những hành vi có thể chấm dứt cơ hội của một ứng cử viên trong các kỳ tranh cử trước đây.

Vậy tại sao người Mỹ lại phải chơi trò cò quay Nga (đồng nghĩa với cơ hội giành chiến thắng ở mức 1/6 của Trump)? Người nước ngoài muốn biết câu trả lời vì kết quả của cuộc bầu cử cũng tác động đến họ, dù họ chẳng thể nào tác động đến cuộc bầu cử.

Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi thứ hai: tại sao Đảng Cộng hòa lại đề cử một ứng cử viên mà ngay cả những lãnh đạo đảng cũng phản đối?

{keywords}
Ảnh:Reuters

Rõ ràng, có nhiều nhân tố giúp Trump đánh bại 16 đối thủ chính của Đảng Cộng hòa để tiến xa đến thế. Tính cách rất quan trọng, và một số người có vẻ thích cá tính kiểu truyền hình thực tế của Trump.

Nhưng một vài nhân tố cơ bản khác cũng góp phần khiến cuộc đua thêm sít sao. Thứ nhất, tình hình kinh tế của nhiều người Mỹ đang kém hơn nhiều so với 25 năm trước. Thu nhập trung bình của lao động nam toàn thời gian thấp hơn so với 42 năm trước và những người có trình độ giáo dục thấp ngày càng khó xin được một công việc toàn thời gian với mức lương hợp lý.

Quả thật, thu nhập thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) ở đáy của phổ phân phối thu nhập đang xấp xỉ thời điểm 60 năm trước. Vì vậy cũng không có gì lạ khi Trump tìm được một nhóm đông đảo người ủng hộ khi ông cho rằng nền kinh tế đang lâm vào tình trạng mục nát. Nhưng Trump đã sai cả trong chẩn đoán và kê đơn. Về tổng thể, nền kinh tế Mỹ vận hành rất tốt trong sáu thập niên qua: GDP đã tăng sáu lần. Nhưng thành quả của sự tăng trưởng đó chỉ chảy vào túi một số ít những người giàu có – những người như Trump, một phần nhờ vào sự cắt giảm thuế trên quy mô lớn mà ông có thể sẽ tiếp tục thực hiện và tăng cường.

Đồng thời, những cải cách mà giới lãnh đạo chính trị hứa là sẽ đảm bảo thịnh vượng cho tất cả – ví dụ như tự do hóa thương mại và tài chính – lại không được thực hiện. Không hề. Và những người có mức sống trì trệ hay suy giảm đã đưa ra một kết luận đơn giản: giới lãnh đạo chính trị Mỹ hoặc không biết họ đang nói gì hoặc họ đang nói dối (hoặc cả hai).

Trump muốn đổ mọi vấn đề của nước Mỹ lên thương mại và nhập cư. Ông đã sai. Mỹ vẫn sẽ đối mặt với tình trạng phi công nghiệp hóa ngay cả khi thương mại không tự do hơn: số lượng việc làm toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất sụt giảm, với việc tăng năng suất vượt quá mức tăng trưởng của nhu cầu.

Nếu các thỏa thuận thương mại thất bại thì đấy không phải là do các đối tác thương mại của Mỹ lọc lõi hơn mà là do chính sách thương mại Mỹ được định hình bởi những nhóm lợi ích của các tập đoàn. Các công ty Mỹ đang hoạt động tốt và chính những người Đảng Cộng hòa đã ngăn chặn các nỗ lực nhằm đảm bảo rằng những người Mỹ bị tác động tiêu cực bởi các thỏa thuận thương mại cũng sẽ được chia sẻ lợi ích.

Vì vậy, nhiều người Mỹ cảm thấy bị vùi dập trước các lực lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, dẫn đến những hệ quả bất công rõ ràng. Các giả định từ lâu – rằng nước Mỹ là vùng đất của cơ hội và thế hệ sau sẽ giàu có hơn thế hệ trước – đã bị nghi ngờ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một bước ngoặt với nhiều cử tri: chính phủ cứu vớt những chủ ngân hàng giàu có vốn đẩy nước Mỹ đến bờ suy sụp, trong khi hầu như không làm gì để giúp hàng triệu dân thường mất việc làm và nhà cửa. Hệ thống không chỉ tạo ra những hệ quả bất công, mà có vẻ còn bị gian lận để làm như vậy.

Sự ủng hộ dành cho Trump dựa ít nhất một phần vào cơn giận trên diện rộng bắt nguồn từ sự mất lòng tin vào chính phủ. Nhưng các chính sách mà Trump đề xuất chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn nhiều. Chắc chắn, thêm một giải pháp kinh tế mang lợi ích nhỏ giọt xuống các tầng lớp dưới (trickle down) kiểu như ông hứa hẹn, cắt giảm thuế chủ yếu cho những người Mỹ và tập đoàn giàu có, sẽ không thể đem lại kết quả tốt hơn lần cuối cùng nó được sử dụng.

Trên thực tế, việc phát động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Mexico, và các đối tác thương mại khác của Mỹ, như Trump hứa, sẽ khiến toàn bộ người Mỹ nghèo đi và tạo ra những trở ngại mới trong sự hợp tác toàn cầu vốn cần thiết để giải quyết những vấn đề toàn cầu quan trọng như Nhà nước Hồi giáo (ISIS), khủng bố toàn cầu, và biến đổi khí hậu. Dùng nguồn tiền đáng lẽ có thể đầu tư vào công nghệ, giáo dục, hay cơ sở hạ tầng để xây dựng một bức tường giữa Mỹ và Mexico là lãng phí nguồn lực.

Có hai thông điệp mà giới tinh hoa chính trị Mỹ cần lắng nghe. Các lý thuyết chủ nghĩa thị trường chính thống tân tự do đơn giản vốn định hình phần lớn chính sách kinh tế trong bốn thập niên qua là vô cùng sai lầm, tăng trưởng GDP với cái giá là bất bình đẳng ngày càng lớn.

Chính sách kinh tế “nhỏ giọt” đã và sẽ không hiệu quả. Các thị trường không tồn tại trong chân không. Cuộc “cách mạng” Thatcher-Reagan (tập trung vào việc tự do hóa và tư nhân hóa nền kinh tế những năm 1980 – NBT), vốn viết lại các quy tắc và tái cấu trúc thị trường vì lợi ích của những người thuộc top đầu, đã vô cùng thành công trong việc gia tăng bất bình đẳng nhưng hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng.

Điều này dẫn đến thông điệp thứ hai: chúng ta cần viết lại các quy tắc cho nền kinh tế một lần nữa, lần này đảm bảo dân thường cũng được hưởng lợi. Các chính trị gia tại Mỹ và những nơi khác bỏ qua bài học này sẽ phải chịu trách nhiệm. Thay đổi đi kèm với rủi ro. Nhưng hiện tượng Trump – và rất nhiều diễn biến chính trị tương tự tại châu Âu – đã bộc lộ những rủi ro lớn hơn của việc không chú ý đến thông điệp này: xã hội chia rẽ, dân chủ suy thoái, và kinh tế xói mòn.

Joseph E. Stiglitz/Project Syndicate

Joseph E. Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001 và huân chương John Bates Clark năm 1979, là giáo sư tại Đại học Columbia, đồng chủ tịch Nhóm Chuyên gia Cấp cao về Đánh giá Tình hình Kinh tế và Tiến bộ Xã hội của OECD và là kinh tế trưởng của Viện Roosevelt. Ông là cựu phó chủ tịch cấp cao và kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới và chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Năm 2000, ông thành lập Sáng kiến Đối thoại Chính sách, một viện nghiên cứu chính sách về phát triển quốc tế có trụ sở tại Đại học Columbia.

Chuyên mục hợp tác cùng chuyên trang Nghiên cứu quốc tế (Nghiencuuquocte.org)