Nhiều bất cập ở cảng cá
Vài tháng trở lại đây, đều đặn các ngày tại Cảng Lạch Hới (Sầm Sơn, Thanh Hoá), bằng hệ thống loa phát thanh, ban quản lý liên tục phát nội dung tuyên truyền chống khai thác IUU.
Ông Lê Văn Hân - cán bộ Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới cho biết, không chỉ tuyên truyền nhắc nhở ngư dân thực hiện các quy định liên quan đến chống khai thác IUU, tại cảng còn thực hiện đồng bộ hệ thống quản lý và giám sát tàu cá.
Ông dẫn chứng, hệ thống VNFishbase là cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, hạn ngạch khai thác thủy sản, giấy phép khai thác thủy sản; dữ liệu về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; dữ liệu về nhật ký, báo cáo khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác...
Đây là cơ sở dữ liệu khá toàn diện và trở thành công cụ hữu ích trong quản lý nghề cá, năng lực khai thác hải sản.
Theo ông, các tàu cá khi ra khơi bắt buộc phải lắp đặt và bật thiết bị giám sát hành trình, ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ, chính xác… Nếu không tuân thủ, lực lượng chức năng kiên quyết không cho tàu cá xuất bến.
Tàu cập cảng, ngư dân làm thủ tục chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác, chỉ cần nhập số hiệu tàu cá lên hệ thống VNFishbase là biết được hành trình của tàu cá khai thác trên biển, làm căn cứ xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Thông qua hệ thống này giúp ban quản lý cảng giám sát, quản lý số hóa 100% các thông tin hoạt động của tàu cá từ khi xuất cảng cá đi khai thác, cập cảng bốc dỡ sản phẩm, cho tới vấn đề đăng kiểm cũng như hệ thống dữ liệu khai thác, mua bán của ngư dân. Việc ứng dụng hệ thống VNFishbase còn giúp cho người dân thuận tiện trong việc theo dõi thông tin, tiết kiệm chi phí trong hoạt động khai thác hải sản.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa không xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; không có tàu cá trong danh sách tàu cá vi phạm chống khai thác IUU.
Còn ông Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban quản lý cảng Nghệ An, cho biết, gần 11 tháng năm 2023, tại 4 cảng chỉ định ở Nghệ An chỉ giám sát được 3% trên tổng số sản lượng hải sản khai thác được, thấp hơn tỷ lệ cả nước là 10-13%. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là ngư dân chưa có thói quen “đi khai, về báo” và năng lực hạ tầng cảng cá còn nhiều hạn chế, bất cập.
Luật Thủy sản quy định rõ, các tàu có chiều dài trên 15m khi ra khơi đánh bắt phải làm thủ tục kê khai tại các cửa lạch và khi về thì phải thông báo và cập cảng chỉ định để báo cáo sản lượng, lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc.
Song, lãnh đạo Cục Thủy sản cho rằng, việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như nguồn nhân lực của các tổ chức quản lý cảng cá hiện rất thiếu và chưa được đào tạo chuyên môn; chưa có phần mềm cơ sở dữ liệu về các cảng cá, kết nối hệ thống cảng cá, chia sẻ thông tin giữa các cảng cá để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành;
Tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị VMS dẫn đến không thể kiểm soát được đầy đủ hoạt động của đội tàu nên việc theo dõi, xác nhận, chứng nhận không đảm bảo đủ dữ liệu theo quy định. Ngoài ra, việc thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU khi phát hiện tại cảng cá còn rất thấp; kiểm soát và giám sát sản lượng thủy sản cập cảng còn nhiều hạn chế…
Tập trung quản lý ở cảng cá để gỡ thẻ vàng IUU
Đề cập tới vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cảng cá là trung tâm của việc gỡ thẻ vàng IUU.
Ở nước ta hiện nay có 83 cảng cá, 76 khu neo đậu. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với địa phương tập trung thực hiện các biện pháp mạnh trong chống khai thác IUU. Các cảng cá phải quản lý đội tàu, giám sát chặt đội tàu qua hệ thống thiết bị hành trình (VMS). Đối với trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu tại các cảng cá, các địa phương cần phải bổ sung để đáp ứng yêu cầu.
Cần bổ sung nguồn lực cho cơ quan quản lý thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá và phát huy vai trò của ngư dân trong việc tham gia quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Thứ trưởng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; tuân thủ quy định việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định pháp luật; kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác IUU tại cảng cá, về gian lận hồ sơ xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…
Mới đây, khi đi thực địa tại các cảng cá, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Luật Thủy sản 2017 của chúng ta đã bao hàm tất cả các điều khuyến nghị của EC. Nếu chấp hành tốt các quy định của pháp luật sẽ không có chuyện khai thác IUU.
Theo Bộ trưởng, để kiểm soát chặt chẽ tàu cá trong khi nguồn lực có giới hạn thì phải liên kết các cảng cá chỉ định với cảng cá không chỉ định bằng công nghệ thông tin vì không thể hiện đại hết các cảng cá.
Ngoài ra, phải tuyên truyền cho bà con ngư dân thay đổi nhận thức. Nghiệp đoàn nghề cá cần phải tổ chức lại mô hình sản xuất, làm sao các thành viên trong tổ gắn bó mật thiết với nhau cả trên biển lẫn trên bờ. Cũng như giữa ngư dân, đầu nậu với Ban quản lý cảng cá, chính quyền gần gũi, thân thiện.