Ghi nhật ký là bắt buộc
Sau đợt kiểm tra thực tế lần thứ 4 về chống khai thác IUU, truy xuất nguồn gốc là một trong bốn khuyến nghị của Đoàn thanh tra Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra đối với thuỷ sản Việt Nam để gỡ thẻ vàng IUU.
Thực tế, thời gian qua, ghi chép nhật ký đối với tàu cá là bắt buộc, bởi đây là một trong những công đoạn để thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Tàu về cảng phải khai báo cụ thể số lượng, loại hải sản đánh bắt.
Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các tàu cá có chiều dài dưới 24m ghi không đúng hoặc ghi không đủ nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản theo quy định.
Nếu không ghi hoặc không nộp nhật ký thì mức phạt lên đến 20 - 30 triệu đồng/trường hợp; với các tàu cá có chiều dài từ 15 - 24m thì mức phạt này là từ 40 - 50 triệu đồng tùy quy mô tàu cá.
Thế nhưng, việc ngư dân ở nhiều địa phương vẫn còn ghi chép nhật ký theo kiểu đối phó, giống như hồi ký. Thậm chí, khi kiểm tra nhật ký đánh bắt của ngư dân thấy sổ vẫn còn mới, tàu chưa cập bến ở nhà nhưng sổ nhật ký đã ghi rõ số lượng đánh bắt, mua bán được bao nhiêu.
Tháng 8 vừa qua, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc gỡ thẻ vàng của EC về hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, công tác chống khai thác IUU tại Quảng Ninh có kết quả chưa cao như kỳ vọng, vẫn còn những cảnh báo quan trọng chưa đảm bảo điều kiện để gỡ thẻ vàng. Trong đó, ông nhấn mạnh đến công tác quản lý tàu cá và ghi chép nhật ký còn thiếu đồng bộ giữa các địa phương.
Theo Thứ trưởng, việc ghi chép nhật ký của ngư dân phải làm nghiêm túc, xác định đây là nghề cá bền vững, không phải đối phó với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với thanh tra EC. Vậy nên, các địa phương làm tới đâu phải chắc đó, không làm theo phong trào.
Đẩy mạnh ghi nhật ký điện tử
Để đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc hải sản theo quy định của EC, một số địa phương đã thực hiện số hoá việc ghi chép nhật ký khai thác của ngư dân. Theo đó, từ ghi nhật ký vào giấy, các ngư dân chuyển sang ghi nhật ký điện tử.
Ông Nguyễn Thanh Ân ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã thực hiện ghi nhật ký điện tử từ cuối tháng 5 đến nay. Theo ông, phần mềm ghi chép nhật ký điện tử được cài trên điện thoại thông minh sử dụng khá đơn giản và chính xác, khắc phục được những nhược điểm của việc ghi nhật ký khai thác thủy sản bằng giấy trước đó.
Mỗi lần thả lưới, ngư dân chỉ cần bấm vào phần mềm được cài đặt sẵn trên điện thoại, hệ thống sẽ tự động cập nhật thông tin về tọa độ, vị trí tàu neo đậu. Sau đó, ông Ân chỉ việc khai báo loại cá, sản lượng rồi ấn đồng bộ, dữ liệu sẽ được gửi về trạm bờ.
Bình Định là tỉnh đang thí điểm ghi nhật ký điện tử đánh bắt hải sản. Với tính năng ưu việt, hệ thống nhật ký khai thác điện tử khi được ứng dụng rộng rãi sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho cơ quan quản lý nghề cá, ngư dân, doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Lão đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thừa nhận, trước đây việc ghi nhật ký khai thác thường không rõ ràng về thời gian, địa điểm thả và thu lưới, thiếu thông tin các loài hải sản khai thác. Nhưng hiện nay, triển khai ghi nhật ký điện tử đã giải quyết được các vấn đề này, đảm bảo độ chính xác và minh bạch về hải sản khai thác, góp phần chống khai thác IUU.
Ngư dân Nguyễn Trung Khương ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tàu của ông đã gắn thiết bị ghi nhật ký khai thác điện tử được hơn tháng. Việc chuyển hình thức ghi này không gây nhiều khó khăn cho ông vì các thao tác trên máy được chỉ dẫn rõ ràng.
Theo ông, mỗi tàu có một tài khoản riêng trên hệ thống. Phần mềm tự cập nhật vị trí tàu thả lưới đánh cá. Ông chỉ việc cập nhật những thông tin cơ bản như sản lượng, các loại cá đánh bắt. Sau đó, thông qua sóng 3G trên điện thoại, dữ liệu này sẽ được gửi cho cơ quan quản lý cảng cá trong đất liền.
Trao đổi về vấn đề ghi chép nhật ký khai thác, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, trong quý IV năm nay, Cục đã triển khai thí điểm việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử ở tỉnh Bình Định rồi mở rộng trên cả nước.
Theo ông Luân, để triển khai đồng bộ việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử, Cục đang mở các đợt tập huấn tập trung với quy mô lớn cho các thuyền trưởng tàu cá. Tuy nhiên, do đặc tính nghề nghiệp thuyền trưởng tàu cá thường theo tàu đánh bắt nhiều tháng trời trên biển nên khó tập hợp được cùng một thời điểm.
Cục Thủy sản đang xây dựng lại quy trình, kế hoạch để đẩy mạnh việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử trong thời gian tới, tiến tới số hoá quy trình truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác.