Bến Tre có bờ biển dài 65km đi qua địa phận 3 huyện. Toàn tỉnh có 2.760 tàu cá, trong đó hơn 2.000 tàu khai thác xa bờ. Kinh tế biển được xác định là một trong những thế mạnh của tỉnh với sản lượng hải sản khai thác ước đạt 200.000 tấn/năm.

Cùng với nỗ lực tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bà con ngư dân địa phương, Bến Tre triển khai Đề án “Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định đến năm 2025”. Các giải pháp được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, trong đó địa phương, lượng lược chức năng “chạy đua” chống khai thác IUU góp phần gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC.

Ông Huỳnh Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết, huyện xử lý rất quyết liệt chủ tàu cá vi phạm IUU. 

Theo đó, các ghe đánh bắt gần bờ đã đăng ký, đăng kiểm hết chỉ còn vài chiếc. Với các ghe, tàu không thực hiện tốt chỉ thị, huyện đề nghị lực lượng Biên phòng, Công an xử lý quyết liệt. 

Khi nghe thông tin tàu cá xuất bến, các lực lượng sẽ có mặt ở xóm, ấp kiểm tra. Chủ tịch huyện cũng đã chỉ đạo xã nào làm không xong phải tự chịu trách nhiệm trước huyện, ông Mai nhấn mạnh.

W-cang-ca-1.jpg
Bến Tre không còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong khi đó, tại huyện Ba Tri, lực lượng Biên phòng phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, đánh giá, phân loại và phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình có tàu cá khai thác thủy sản thuộc diện nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, cử cán bộ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền riêng lẻ các nội dung về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác hải sản. Tuyên truyền, vận động thông qua các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, nền tảng mạng xã hội, giúp cho ngư dân nắm được các quy định trong quá trình khai thác, nắm rõ các hình thức xử phạt, thấy được hệ lụy của việc khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đó, ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định trong khai thác thủy sản.

Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình dân vận khéo như: Đội tàu thuyền xung kích tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; Đội tàu thuyền xung kích phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết hỗ trợ cước phí thiết bị giám sát cho các ngư dân chấp hành tốt với mức 200.000 đồng/tháng. Điều này góp phần khuyến khích ngư dân tuân thủ các quy định về lắp đặt thiết bị và bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 trong quá trình khai thác hải sản trên biển. 

Với những nỗ lực trên, đến nay tất cả tàu cá tham gia khai thác xa bờ ở tỉnh Bến Tre đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì khi hoạt động. Công tác xuất nhập cảng chấp hành tốt, bảo đảm thủ tục đầy đủ khi đi khai thác như: giấy đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, ghi nhật ký khai thác...

100% dữ liệu tàu cá của tỉnh được cập nhật thường xuyên vào dữ liệu nghề cá quốc gia. Đảm bảo dữ liệu đăng ký tàu cá của tỉnh đúng với số lượng tàu tham gia sản xuất trên biển, hàng hóa được truy xuất nguồn gốc rõ ràng…

Thống kê của tỉnh Bến tre cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng phương tiện khai thác thủy sản vượt ranh giới giảm mạnh so với những năm trước. Đặc biệt, từ tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đến nay Bến Tre  đã giải quyết được dứt điểm tình trạng này, không còn tàu cá nào bị bắt giữ do vi phạm đánh bắt trên vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận định, nhờ sự tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương nhất là tuyên truyền nên ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản ngày càng tốt hơn.

Tỉnh tiếp tục phối hợp với 8 tỉnh ven biển trong công tác quản lý tàu cá, đồng thời kết phối hợp với Cảnh sát Biển, các cơ quan của Bộ Quốc phòng để thực hiện quyết liệt chống khai thác IUU, ông Cảnh cho hay.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV