Sáng 3/10, Bộ Ngoại giao và tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị giới thiệu Cao Bằng nhằm mục đích quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thu hút đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh Cao Bằng đến các cơ quan đại diện, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã giới thiệu khái quát về tỉnh Cao Bằng - địa phương có vị trí chiến lược trọng yếu, là “phên giậu” biên cương phía Bắc của Việt Nam. 

Với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng núi phía Bắc, Cao Bằng có được nhiều tiểu vùng sinh thái, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, không chỉ mang giá trị đa dạng sinh học, di sản địa chất, địa mạo độc đáo, mà còn hội tụ của nhiều di tích lịch sử, khảo cổ học nổi tiếng...

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Những điều kiện thuận lợi trên giúp tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc triển khai những trọng tâm đột phá bao gồm đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu. Phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc) – Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại.

Thứ trưởng Ngoại giao cho biết, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên riêng biệt, Cao Bằng còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, miền đất cội nguồn của cách mạng Việt Nam...

Thứ trưởng chia sẻ, mỗi cán bộ ngoại giao Việt Nam đều có tình cảm sâu sắc với Cao Bằng, trước khi đi nhận nhiệm vụ tại một địa bàn mới hay vào những dịp đặc biệt thì Cao Bằng trở thành địa điểm về nguồn của cán bộ ngoại giao.

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Bộ Ngoại giao trong việc triển khai hoạt động đối ngoại.

Với chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, đặc biệt là những địa phương có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá, chưa được các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài biết đến nhiều như Cao Bằng, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối để địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế gặp gỡ, trao đổi, kết nối, tiến đến những hợp tác.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Anh cho biết, trong suốt chặng đường dài phát triển, Cao Bằng đã luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng. Là một tỉnh miền núi, điểm xuất phát thấp nên gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, tỉnh đã chủ trương khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Anh.

Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cam kết với tinh thần hỗ trợ tối đa nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cũng cam kết thực hiện tốt các thỏa thuận ký kết, nội dung ghi nhớ trong biên bản hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng và các đối tác...

Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn cho biết ông đã có vài lần đến tỉnh Cao Bằng, và có sự am hiểu về thu hút đầu tư kinh tế nơi đây. Cao Bằng trước đây trong tâm thức của nhiều người là một địa phương xa xôi, hẻo lánh, tuy nhiên đây là tỉnh biên giới nên là 'tiền tuyến' cho hợp tác quốc tế. Ông cho rằng đây chính là ưu thế của Cao Bằng trong quan hệ mậu dịch, đầu tư, đối ngoại.

Ông Bành Thế Đoàn đánh giá vừa qua Việt Nam đã mở rộng chính sách visa - điều này tạo thuận lợi cho nhà đầu tư có thời gian đến thăm Việt Nam, thăm Cao Bằng. Ông cũng kiến nghị tỉnh nên có thêm đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đón khách du lịch, nhà đầu tư.

Lãnh đạo UBND tỉnh trao biên bản ký kết thỏa thuận hợp tác với đại diện Hội Doanh nhân Hàn Quốc tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) Hong Sun cho biết hiệp hội có khoảng 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trên khắp Việt Nam, tuy nhiên tại Cao Bằng chưa có một doanh nghiệp Hàn Quốc nào đầu tư chính vì thế đây là cơ hội "chúng tôi kỳ vọng có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh". Ông nhận định Cao Bằng là tỉnh có điều kiện tự nhiên đặc thù, với nhiều điểm du lịch, văn hoá đặc sắc. Kocham sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp quan tâm và xây dựng đoàn doanh nghiệp tới thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng.

Ông cho rằng, đây vẫn là khu vực mà nhiều doanh nghiệp chưa thể đầu tư vì lý do địa lý và cơ sở hạ tầng, tỉnh cần phát huy tối đa những thế mạnh hiện nay, đặc biệt là cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để xóa bỏ rào cản về việc di chuyển.