Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện 64 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất phương án xử lý các dự án 'ôm' đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh theo báo cáo của Sở TN&MT vào ngày 13/3/2023. Hà Nội chia 64 dự án trên làm hai nhóm để xử lý.
Cụ thể, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các sở ngành phối hợp cùng UBND huyện Mê Linh khẩn trương chấm dứt, dừng, tạm dừng dự án, rà soát về quy hoạch 15 dự án. Từ đó đề xuất phương án sử dụng đất theo quy định, báo cáo kết quả trước ngày 30/4/2023.
Riêng đối với dự án Khu đô thị Golf Vinashin (nằm trong nhóm trên), Chủ tịch Hà Nội giao Sở KH&ĐT tham mưu đề xuất phương án xử lý theo quy định.
Với 49 dự án còn lại, Chủ tịch Hà Nội giao nhiệm vụ xử lý từng dự án cho các sở ngành.
Ông Trần Sỹ Thanh giao các đơn vị chuẩn bị thủ tục chấm dứt việc thu hồi đất, chấm dứt thực hiện dự án đối với dự án xây dựng bệnh viện cho người có thu nhập cao và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại xã Tiền Phong trước ngày 30/4/2023.
Sở TN&MT tham mưu UBND TP xem xét tháo gỡ thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với dự án CEO Mê Linh (sau khi chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa) và dự án Trường đại học Tài chính ngân hàng – Hà Nội. Kết quả báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 1/4/2023.
Đối với các dự án còn lại, Chủ tịch Hà Nội giao các sở ngành và huyện Mê Linh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện để chủ đầu tư tự khắc phục, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trong báo cáo gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào cuối tháng 2/2023, UBND huyện Mê Linh cho biết, qua kiểm tra, rà soát 64 dự án (khoảng 2.000ha) trên địa bàn huyện, trong đó có 49 dự án là đô thị, nhà ở; 15 dự án còn lại là sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp và bệnh viện.
Theo UBND huyện Mê Linh, 64 dự án được rà soát được hình thành trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội (năm 2008) và thuộc loại chậm triển khai hơn 10 năm.
Nguyên nhân các dự án chậm triển khai là do điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, chính sách đất đai thường xuyên thay đổi, chênh lệch giá đất bồi thường hỗ trợ giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do năng lực các nhà đầu tư yếu kém, nhiều chủ đầu tư 'ôm' đất không làm gây lãng phí nguồn lực.