Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có văn bản yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn, nhất là do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vẫn diễn biến rất phức tạp.

Năm 2022, toàn TP Hà Nội có 42 vụ tai nạn giao thông có người điều khiển phương tiện uống rượu bia, khiến 22 người chết, 32 người bị thương. Đặc biệt, đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông liên hoàn với thiệt hại lớn về người và tài sản, gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận.

Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn với tài xế. Ảnh: Đình Hiếu

Trong năm 2022, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 14.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Số lượng vi phạm tăng 78,86% so với năm 2021. 

Tuy vậy, tình hình vi phạm vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, trong đó có các trường hợp là cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Do vậy, Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu các cán bộ, công dân trên địa bàn chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm của lực lượng thực thi công vụ.

Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.

Nếu là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông thì phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan người vi phạm để xử lý theo quy định.