Góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra tại tổ TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông từng có thời kỳ làm thanh tra và có ít nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Ông bày tỏ ủng hộ với tổ chức thanh tra theo hệ thống hành chính như hiện nay, theo đó vẫn duy trì Thanh tra cấp huyện. 

“Chúng ta đang nói việc phân cấp, giao quyền rất lớn cho các địa phương nhiều nội dung của quản lý nhà nước, do vậy cần có bộ máy để kiểm tra, đôn đốc...”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước phát biểu tại phiên thảo luận.

Về tổ chức thanh tra theo ngành, lĩnh vực, Chủ tịch nước cũng đồng tình với đề xuất thành lập thanh tra tổng cục, cục. “Đã quản lý nhà nước thì phải có thanh tra. Tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước thì phải có thanh tra. Tôi ủng hộ, nhưng bộ máy làm sao cho gọn nhẹ", ông nói.

Với tổ chức thanh tra sở, Chủ tịch nước nhận xét thực tế “ít có vụ việc Thanh tra sở làm được”, thường “ngồi chơi, xơi nước”, không phát huy được nhiều. Ông đề nghị phải tính toán kỹ để tổ chức này gọn nhẹ nhưng có hiệu lực.

Đáng chú ý, Chủ tịch nước lưu ý việc quản lý đoàn thanh tra rất quan trọng. “Tại sao thanh tra không giải quyết được một số việc, vì đoàn thanh tra quá dễ dãi trong việc tiếp xúc với các đối tượng thanh tra. Anh phải ăn riêng, ở riêng, có chế độ thông tin riêng... Nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ đoàn thanh tra thì khó có thể phát hiện ra những vấn đề lớn của thanh tra”, Chủ tịch nước nói. 

“Chúng tôi đã phát biểu rất nhiều lần, khi làm Thủ tướng, tôi đã nói với anh Khái, Tổng Thanh tra rằng anh phải tăng cường cái này thì mới làm được nhiệm vụ của đoàn thanh tra”, Chủ tịch nước cho hay và nhấn mạnh “Quản lý đoàn thanh tra là vấn đề rất lớn”.

“Đoàn thanh tra lỏng lẻo, đơn giản trong quản lý thì không được”, ông nói thêm.

"5 ông thanh tra mà 6.000 nhà thuốc thì làm kiểu gì?"

Đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh thanh tra “là vũ khí hữu hiệu” nhưng khi tiến hành lại “suốt ngày sợ hệ thống của chúng ta có tiêu cực, sợ bóng, sợ gió, tìm mọi cách ràng buộc”.

Bà cho rằng quan trọng nhất phải lo làm sao thanh tra giám sát được ngoài thị trường, ngoài xã hội có việc gì xảy ra và xử lý sai phạm. Bà Lan cho biết có cảm giác khi xây dựng luật thiên về giám sát đội ngũ thanh tra. 

Về thanh tra sở ngành, từng có 10 năm làm PGĐ sở Y tế TP.HCM, bà Lan nêu hiện trạng khi lực lượng thanh tra y tế cấp sở ở TP chỉ đủ để thanh tra nội bộ. 

ĐB Phạm Khánh Phong Lan.

“Có những phòng mạch, cơ sở y tế, nhà thuốc hai mấy năm chưa bao giờ thấy thanh tra. Bởi vì với số lượng thanh tra đó không bao giờ làm nổi….

Lực lượng thanh tra quận, huyện cũng rất ít. Chúng ta trông chờ nhiều vào mô hình thanh tra liên ngành. Thanh tra liên ngành lại có những hạn chế rất lớn về mặt chuyên môn”, ĐB nhận định.

Bà cũng đồng tình khi không nên bỏ thanh tra cấp huyện, nhưng phải xem lại biên chế.

“Thanh tra sở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thanh tra dược, 10 năm tôi làm có 5 ông thanh tra mà 6.000 nhà thuốc, không biết làm kiểu gì….Cần làm sao để công tác thanh tra hiệu quả, thực tế nhất, có được sự giám sát”, bà bày tỏ.

Thủ tướng đã có quyết định mỗi một đơn vị chỉ thanh tra một lần trong năm, để tránh phiền hà cho doanh nghiệp. Bà Lan cho rằng, điều này rất đúng đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt, nhưng có doanh nghiệp đối phó “tháng giêng, tháng 2 thấy có thanh tra vào rồi là những tháng sau họ buông”.

Thanh tra theo kế hoạch thì bảo đảm một đơn vị chỉ được thanh tra một lần trong năm, không có sự chồng chéo nhưng nếu đột xuất phát hiện được vi phạm thì vẫn phải tiến hành và vẫn xử lý.

Cho nên bà nhấn mạnh, Luật Thanh tra được ban hành làm sao để xã hội thấy bất cứ hoạt động gì “không phải sau khi cấp phép là xong, mà luôn có một sự giám sát của cơ quan nhà nước, luôn có một cặp mắt vô hình đang theo dõi để họ sợ, không làm bậy”.

ĐB Nguyễn Sỹ Quang thống nhất với việc giữ lại thanh tra cấp huyện như dự thảo luật. Ông nêu những lý do, thứ nhất trong phòng ngừa xử lý sai phạm luôn luôn đặt ra yêu cầu phòng ngừa là chính cho nên hoạt động thanh tra sẽ phát hiện kịp thời ngay tại cơ sở để xử lý. 

ĐB Nguyễn Sỹ Quang.

Vì vậy ông Quang cho rằng phải có cơ quan thanh tra cấp huyện để giúp cho cơ quan quản lý ở đây là UBND cấp huyện phát hiện ngay, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. 

“Nếu bỏ thanh tra cấp huyện sẽ dồn lên thanh tra cấp tỉnh, sẽ quá tải. Chúng ta đã chủ trương kiện toàn bộ máy hiệu lực, hiệu quả cho nên bộ máy thanh tra cấp tỉnh sẽ tinh gọn lại mà đầu việc nhiều thì sẽ không thể đi xuống cấp huyện nhất là vùng sâu vùng xa, dẫn đến không ngăn chặn kịp thời các sai phạm nếu có”, ông cho hay. 

Ông đề nghị bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra cấp huyện.

Trần Thường

Luật Thanh tra sửa đổi, còn 2 nhóm ý kiến giữ hay bỏ đơn vị cấp huyện

Luật Thanh tra sửa đổi, còn 2 nhóm ý kiến giữ hay bỏ đơn vị cấp huyện

Sáng nay (26/5), thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội.
Đưa đề xuất bỏ thanh tra cấp huyện ra Quốc hội thảo luận

Đưa đề xuất bỏ thanh tra cấp huyện ra Quốc hội thảo luận

Cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện để góp phần giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, Chủ tịch Quốc hội gợi ý đưa nội dung này ra Quốc hội thảo luận.