Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok từ ngày 16 đến ngày 19/11.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 29 (18 – 19/11), Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (18/11), Đối thoại không chính thức và ăn trưa làm việc giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời (18/11) và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (17/11).

Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và  duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Diễn đàn hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.

Trong 24 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương. 

Trong vai trò chủ nhà, Thái Lan đề xuất chủ đề của Năm APEC 2022  “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng.” (Open. Connect. Balance.) với Tầm nhìn về một APEC “Mở với tất cả cơ hội, Kết nối trên mọi phương diện, Cân bằng trên mọi khía cạnh”.