Sáng 27/6, báo Người Lao Động tổ chức hội thảo “Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt là Nghị quyết 54 mới)”. Nghị quyết được Quốc hội thông qua ngày 24/6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8.

Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố sẽ tập trung với tâm thế cao nhất để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách vượt trội từ Nghị quyết 54 mới

Gửi tới hội thảo lời cảm ơn, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố rất khẩn trương chuẩn bị về tâm thế, các nội dung, điều kiện và đầu tháng 7, sẽ tổ chức hội nghị toàn thành phố để triển khai Nghị quyết. 

Trong quá trình đó, ông Mãi cho biết, thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương… để cụ thể hóa hơn các cơ chế, chính sách, với tâm thế cao nhất, đạt hiệu quả tốt nhất.

Đẩy nhanh xây dựng 5 tuyến đường trên cao

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Nghị quyết 54 mới với nội dung đột phá chiến lược, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Như vậy, thành phố có đủ nguồn lực để tập trung phát triển, mở rộng lộ giới các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận TP.HCM như Quốc lộ 1, 13, 22… 

Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An phát biểu tại hội thảo

Đặc biệt, thành phố sẽ đẩy nhanh quy hoạch 5 tuyến đường trên cao mà lâu nay chưa có đủ điều kiện để triển khai. Trong đó, có tuyến trên cao ở nội đô chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Những tuyến đường này sẽ giải tỏa lớn cho áp lực giao thông quá tải hiện hữu của thành phố, cũng là cơ chế đột phá trong chiến lược giao thông đô thị. 

“Những tuyến này theo hình thức thu phí tự chọn, ai muốn đi nhanh thì trả phí, ai không muốn trả phí thì lưu thông các tuyến đường bên dưới”, ông An thông tin.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nhìn nhận, Nghị quyết 54 mới cho phép nguồn thu từ cổ phần hoá DNNN trên địa bàn được dùng để tăng vốn điều lệ cho công ty. Đây là chương trình kích cầu mà thành phố mong muốn phát triển ngay trong năm nay. 

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc HFIC phát biểu

Ông hy vọng, với cơ chế từ Nghị quyết mới sẽ thúc đẩy các DN tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi kích cầu trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực về môi trường như sử dụng phương tiện sạch, xe buýt chạy điện, phương tiện công cộng chạy điện, các ngành công nghiệp như tự động hóa, hóa dược, công nghệ thực phẩm, dệt may và da giày…

“Chúng tôi đang tiếp cận với Ngân hàng Thế giới, IFC, ADB để huy động nguồn lực trái phiếu, nguồn vốn giá rẻ. Từ đầu tháng 5, HFIC đã phối hợp với Sở KH-ĐT soạn dự thảo trình HĐND. Với cơ chế vượt trội từ Nghị quyết mới, sẽ giúp thành phố phát triển vượt bậc hơn”, ông Nguyễn Quang Thanh kỳ vọng. 

3 việc quan trọng cần làm ngay

TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, TP.HCM có Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là thành công không chỉ riêng TP.HCM mà còn là của cả nước.

TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo

Bởi đây là cú đột phá cho một hình mẫu phát triển mới, mở ra một hình mẫu của cả nước về đổi mới. TP.HCM thành công với hình mẫu này thì các địa phương khác cứ thế làm vì tạo một độ mở, độ tích cực. 

"Quan trọng hơn nữa, đây là thành công của tinh thần cải cách trên cả nước"- TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa Nghị quyết mới, TS Trần Đình Thiên gợi mở 3 việc quan trọng cần làm ngay. 

Một là, về công tác con người, thành phố phải có cách tiếp cận tổ chức bộ máy, các cơ quan chức năng phù hợp với vai trò, tầm vóc của một siêu đô thị như TP.HCM. 

Từ đây, sẽ tạo ra "khuôn mặt con người mới". Đây chính là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa Nghị quyết này.

Theo các chuyên gia, kết nối giao thông liên vùng là điều cần làm ngay khi triển khai chiến lược giao thông từ các chính sách vượt trội của Nghị quyết 54 mới

Hai là, phải thống nhất quan điểm thực hiện Nghị quyết mới hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ, việc riêng của TP.HCM, mà phải có sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả, tích cực từ Trung ương. 

“Trung ương phải có một sự đảm bảo mạnh mẽ để thành phố thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết này”, TS. Thiên cho biết.  

Ba là, chính sách này cần được mở ra cho cả 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bốn địa phương này đã liên kết trên nhiều lĩnh vực, giờ liên kết được thể chế là không gì bằng.