Sáng 30/3, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

4 nhóm nội dung cốt lõi của nghị quyết mới

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 không đặt nặng vấn đề thu phí, mà tập trung thí điểm các cơ chế vượt trội để phát triển TP. 

“Việc thí điểm các cơ chế đột phá, chính sách vượt trội là để khai phóng hết tiềm năng, dư địa, lợi thế, giúp TP.HCM phát triển nhanh, bền vững”, Chủ tịch TP.HCM nói. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi 

Ông Phan Văn Mãi cho biết, Trung ương đã xác định TP.HCM tiếp tục là cực tăng trưởng, đầu tàu của cả nước, là địa phương có năng lực hội nhập và cạnh tranh khu vực, quốc tế. Từ ý này, trên cơ sở thực tiễn, TP đề xuất các nội dung đáp ứng tiêu chí đột phá, vượt trội. 

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thông tin, nghị quyết mới với 40 nội dung chính sách, chia thành 4 nhóm cốt lõi. Cụ thể:

Nhóm thứ nhất là tiếp tục thực hiện một số cơ chế trong Nghị quyết 54 hiện hành. 

Nhóm thứ hai, những cơ chế đặc thù đã có mà TP.HCM đang cùng 8 địa phương khác thực hiện.

Nhóm thứ ba, những nội dung, cơ chế, chính sách dự kiến đưa vào sửa đổi các luật (đã có trong dự thảo), TP.HCM xin thí điểm trước. 

Nhóm thứ tư là những vấn đề do TP chủ động đề xuất, do các chuyên gia và cơ quan Trung ương gợi ý giúp cho TP. 

Nghị quyết mới phải bao trùm khái niệm “TP.HCM vì cả nước"

Góp ý kiến tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 phải tiếp cận theo hướng rộng hơn tính đặc thù, để thành phố phát huy được vai trò đầu tàu của mình. 

PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), từ khóa của nghị quyết mới nên bao trùm nội dung “trao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn”. Đi kèm đó, là gắn trách nhiệm cao hơn với lãnh đạo TP.HCM. 

Ông Hoài cho hay, mới đây, trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị có nêu “TP.HCM vì cả nước và cả nước vì TP.HCM". Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết mới này, có chỗ nói lên là vai trò của TP.HCM với cả nước, nhưng chưa có chỗ để nói cả nước vì TP.HCM. 

Vì vậy, nghị quyết mới có thể mở rộng về phạm vi không gian địa lý. Vì bên cạnh TP.HCM thì những địa phương khác đang vươn lên. Theo quản trị hành chính công của Việt Nam thì 63 tỉnh thành đều có địa giới hành chính. Tính cát cứ sẽ làm TP.HCM bị giới hạn khi xin quá nhiều. 

“Nghị quyết mới nên xin thí điểm cơ chế vượt trội thuộc về tiềm lực của TP.HCM và từ đó vượt trội vai trò động lực cho cả vùng”, ông Hoài đề xuất. 

TS. Võ Trí Thành (nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế CIEM) cũng đồng tình quan điểm, nghị quyết mới phải bao trùm khái niệm “TP.HCM vì cả nước”. Tiếp cận theo hướng này sẽ tạo sự lan tỏa và phát triển cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước. 

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay, nghị quyết mới cần đề xuất giao cho TP.HCM triển khai ngay về kinh tế số, quản lý xã hội số và chính phủ điện tử một cách phổ cập cho TP và người có quan hệ đến và đi của TP.HCM. 

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Bên cạnh đó, đi liền với các cơ chế thí điểm cũng phải khuyến khích trong dám nghĩ, dám làm, mới nâng cao được tính năng động sáng tạo trong thí điểm. 

Còn theo PGS, TS Phan Thanh Bình, nghị quyết mới cần đặt trong bối cảnh thách thức của một thế giới đầy biến động, cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương trong nước.   

Do đó, cần tiếp cận phát triển TP.HCM thành một cực của đất nước như thế nào? Giao thông, vận tải phát triển như thế nào? Vai trò của thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như thế nào?.