CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức Tài vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thành lập công ty con là CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh.

HĐQT MWG cũng sửa đổi, bổ sung tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2022 về việc tái cấu trúc CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh (BHX). Theo đó, MWG sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu trong BHX cho công ty mới thành lập nói trên, giá trị chuyển nhượng là 12.795 tỷ đồng.

Một nội dung quan trọng là MWG dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa là 20% vốn cổ phần của Bách Hóa Xanh dự kiến trong giai đoạn 2022-2023 cho các đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới với định giá cao nhất.

Vốn huy động được sẽ được đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh ra toàn quốc.

Như vậy, Bách Hóa Xanh sẽ là mảng đóng góp vào chiến lược trở thành ông lớn bán lẻ tại Việt Nam của MWG. MWG đặt mục tiêu doanh thu 2022 đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

Sau khi huy động vốn hàng trăm triệu USD từ nhóm cổ đông Alibaba cho mảng bán lẻ, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang tính phát triển thêm mô hình "mini mall" nhằm tăng mạnh quy mô, hướng đến mốc doanh thu kỷ lục 100 nghìn tỷ đồng năm 2022. Chiến lược Point of Life tiếp tục được duy trì.

Sau WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), gần đây Masan đẩy mạnh chuỗi Phúc Long (trà và cà phê) và Phano (chăm sóc sức khỏe).

Trong năm 2022, MSN sẽ bắt đầu triển khai các kiosk ngân hàng số, cho phép người tiêu dùng nạp tiền, rút tiền và tiếp cận các sản phẩm tài chính, như thẻ tín dụng và bảo hiểm. MSN đặt mục tiêu tiếp cận 1 triệu khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng vào năm 2022. 

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ cũng đang nỗ lực xây dựng Hoa Sen Home với không chỉ 3 mặt hàng tôn-thép-nhựa, mà thêm hàng trăm mặt hàng vật liệu xây dựng và nội thất khác.

Theo ông Vũ, trong 5-10 năm tới, khi nói đến HSG người ta sẽ nhắc đến hệ thống phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home. Nếu vận hạnh tốt thì hệ thống này có thể đạt doanh thu như hiện nay, khoảng 2 tỷ USD.

FPT Retail (FRT) của ông Trương Gia Bình gần đây cũng phát triển rất mạnh, cổ phiếu liên tục lập đỉnh mới. Trong 2021, FRT ghi nhận lợi nhuận trước thuế gấp 19,5 lần năm 2020, đạt 554 tỷ đồng. Chuỗi nhà thuốc Long Châu đã có trên 600 cửa hàng và là hệ thống bán lẻ mang lại nhiều triển vọng cho FRT.

Có thể thấy, trong vài năm gần đây, các tập đoàn lớn đẩy mạnh xu hướng bán lẻ hiện đại "một điểm đến nhiều tiện ích" với những cái tên như Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Thaco của ông Trần Bá Dương, Central của tỷ phú Thái…

Các đại gia muốn thiết lập những nơi có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng về mua sắm, giải trí, tương tác xã hội và ẩm thực…

Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương mua lại Emart từ Emart Hàn Quốc để phát triển điểm đến gồm trung tâm thương mại, hội nghị - tiệc cưới, showroom, sữa chữa ô tô… Trong khi đó, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang xây dựng Fresh&Chill, nơi khách hàng có thể rút tiền, đi chợ, uống trà sữa và mua thuốc.

Tại Việt Nam, bán lẻ ngày càng phát triển. Một số tập đoàn sở hữu hệ thống bán lẻ rộng khắp đang có ưu thế lớn trong việc khai thác thị trường nội địa và nhu cầu mua sắp của một lượng lớn tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo.

Ngay cả trong những khoảng thời gian khó khăn vì dịch bệnh, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn vẫn không ngừng mở rộng quy mô cũng như thị phần.

Kỳ vọng cung-cầu cân bằng

Theo VDSC, sau phiên lội ngược dòng từ kênh xu hướng của VN-Index, vùng 1.440-1.455 điểm, thị trường quay lại trạng thái thận trọng, dòng tiền vẫn chưa tự tin mua chủ động ở những nhịp tăng mà nhịp giảm lại có vẻ thu hút nhiều sự quan tâm của Nhà đầu tư hơn. Điều này được thể hiện qua thanh khoản có xu hướng dâng lên khi VN-Index lùi về những vùng giá thấp hơn. Cùng với áp lực bán tạm thời chưa lớn, dự kiến thị trường chứng khoán sẽ sớm cân bằng và tiếp tục nhịp hồi phục kỹ thuật trong ít phiên tới.

Theo BSC, tâm lý thị trường vẫn yếu khi VN-Index đã không thể bật lên khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.470. Trong 1, 2 phiên tới, thị trường có thể vẫn sẽ loanh quanh ở ngưỡng này.

Chốt phiên giao dịch 14/4, chỉ số VN-Index giảm 5,08 điểm xuống 1.472,12 điểm. HNX-Index giảm 3,76 điểm xuống 423,69 điểm. Upcom-Index tăng 0,11 điểm lên 113,41 điểm. Thanh khoản đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 18,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Bán hàng đa kênh - xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ

Bán hàng đa kênh - xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ

Theo khảo sát của Harvard Business Review, 73% người tiêu dùng sử dụng nhiều kênh khác nhau trong quá trình mua hàng và có tới 24,1% nhà bán hàng đa kênh trên ghi nhận có tăng trưởng doanh thu bất chấp giãn cách do dịch bệnh.