- Tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất 6,5 năm và nỗi lo sợ những rủi ro đối với cổ phiếu ngân hàng đã khiến VN-Index giảm phiên thứ 5 liên tiếp, mất tổng cộng gần 7%.

Kết thúc phiên giao dịch 17/8, VN-Index bất ngờ lao dốc, mất 15,88 điểm (-2,7%) xuống còn 573,15 điểm. HNX-Index giảm 1,89 điểm (-2,34%) xuống 78,99 điểm. Tính chung trong 5 phiên qua, VN-Index giảm 41,38 điểm (-6,7%) từ mức 614,53 điểm xuống còn 573,15 điểm.

Sau 4 phiên giảm liên tiếp, TTCK tập trung khởi động phiên đầu tuần mới 17/8 khá thận trọng. VN-Index mất điểm nhẹ vào thời gian đầu giao dịch do áp lực bán ra đã giảm bớt. Tuy nhiên, rất nhiều cổ phiếu lớn bất ngờ quay đầu giảm điểm rất mạnh vào đầu giờ chiều khiến VN-Index giảm sâu.

{keywords}

VN-Index giảm phiên thứ 5 liên tiếp, xuống gần 570 điểm

Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt giảm sàn. Cổ phiếu EIB của Eximbank giảm sàn từ 13.500 đồng xuống còn 12.600 đồng/cp với dư mua trống trơn, trong khi dư bán giá sàn còn gần triệu cổ phiếu.

CTG của VietinBank cũng giảm sàn xuống còn 19.300 đồng/cp. VCB của Vietcombank giảm 2.300 đồng xuống 41.000 đồng; BID của BIDV giảm 1.400 đồng xuống 21.000 đồng/cp; MBB của NH Quân đội giảm 700 đồng xuống 14.700 đồng/cp…

Sau một thời gian tăng giá khá mạnh nửa đầu năm nay, dòng cổ phiếu NH được cho đã “gãy trend” tăng giá và đang vào giai đoạn đi xuống.

VN-Index giảm mạnh trong phiên giao dịch 17/8 còn do sự thoái trào của dòng cổ phiếu dầu khí.

Cổ phiếu lớn GAS của Tổng Công Ty Khí Việt Nam tiếp tục giảm mạnh 3.200 đồng xuống còn 49.300 đồng/cp. Nửa đầu tháng 3/2015, cổ phiếu GAS có lúc đứng ở mức 80.000 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu dầu khí và liên quan tới dầu khí khác cũng bị bán tháo mạnh. PVD giảm 1.300 đồng xuống 38.100 đông/cp…

Cổ phiếu dầu khí giảm là do giá dầu trên thế giới không ngừng suy giảm trong khoảng một năm qua, từ mức trên 100 USD/thùng về dưới 42 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tuần mới 17/8/2015. Giá dầu thậm chí còn được dự báo về dưới 30 USD/thùng do nguồn cung dư thừa. OPEC duy trì sản lượng ở mức cao kỷ lục, trong khi Mỹ vẫn không ngừng tăng cung dầu. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, EU… lại đang gặp khó khăn.

Áp lực bán tăng mạnh trên diện rộng khiến đa số các cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn chứng khoán giảm giá.

Nhiều NĐT còn lo ngại các DN có thể còn bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động phá giá đồng NDT của Trung Quốc. Bên cạnh đó, kỳ vọng nới room ngoại đang trở thành nỗi thất vọng bởi do phong trào kinh doanh đa ngành có thể khiến nhiều DN không lọt vào danh sách được nới room.

M. Hà