Hôm nay (23/5), UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024 với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là chuyên gia, diễn giả về chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

W-chuyển đổi số.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc "Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024". Ảnh: Trần Tuyên.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. Chương trình năm nay có 6 hội thảo và 4 hoạt động bên lề bàn luận các giải pháp, ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, nông nghiệp, môi trường…

Trong đó, điểm nhấn là khu trải nghiệm và trưng bày chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được diễn ra xuyên suốt trong 2 ngày (23 và 24/5), với 60 gian hàng giới thiệu các thiết bị công nghệ, các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số uy tín đến từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp khắp cả nước.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Hậu Giang là trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu. Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực, tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng mức độ hài lòng của người dân.

W-Chủ tịch Hậu Giang.JPG.jpg
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trần Tuyên.

“Các chỉ số đánh giá nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của năm 2023 như: PAPI, PAR INDEX, SIPAS đều tăng; riêng tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,27%, đứng thứ 2 cả nước; chỉ số PCI đứng thứ 9 cả nước. Năm 2021 và 2022, tỉnh Hậu Giang được Bộ TT&TT ghi nhận, xếp hạng 17/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh”, ông Thanh thông tin.

Từ những lợi thế đó, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt, xác định công tác xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số và chuyển đổi số là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

"Hậu Giang xác định công nghệ thông tin là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho tỉnh, nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước", ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) thông tin, từ năm 2018 đến nay, chỉ số đổi mới sáng tạo, bưu chính của Việt Nam liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu.

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 38%; giúp tiết kiệm gần 37 triệu giờ làm việc của người dân, tương đương 1.274 tỷ đồng. 

“Sự thay đổi đột phá thể hiện rõ ở một số địa phương, như tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp chỉ trong 12 giờ làm việc. Bộ Công an tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, đã cấp khoảng 84,7 triệu Căn cước công dân gắn chip và 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử”, ông Hạnh nêu dẫn chứng những kết quả nổi bật của chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Theo Phó Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần GDP.

Qua thống kê cho thấy giao dịch thanh toán trực tuyến tăng mạnh. Cụ thể, tăng 66% về lượng và 4% về giá trị giao dịch trên môi trường mạng; tăng 63% về lượng và 8,8% về giá trị giao dịch qua điện thoại di động; tăng 124% về lượng và 16% về giá trị giao dịch qua mã QR.