Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp về dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia. |
Chiều ngày 14/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã nghe Cục Tin học hóa báo cáo dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia (CĐSQG). Cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện một số đơn vị trong Bộ TT&TT: Vụ Khoa học Công nghệ, Văn phòng, Cục Viễn thông, Viện Chiến lược TT&TT, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và Trung tâm thông tin.
Nhận định chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược và cũng là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hoá khát vọng hùng cường, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ TT&TT hồi tháng 9/2018, Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý giao Bộ chủ trì xây dựng Đề án CĐSQG. Cục Tin học hóa là đơn vị được phân công trực tiếp nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án này. Thời hạn Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT trình Đề án là tháng 11/2019.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Tin học hóa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, dự thảo Đề án CĐSQG đã được Cục xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi số của các nước như Thái Lan, Hà Lan…, tiếp thu có chỉnh sửa, bổ sung các nội dung để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế Việt Nam.
Cũng theo đại diện Cục Tin học hóa, dự thảo Đề án được xây dựng bám sát theo các nội dung chính về Bối cảnh/ sự cần thiết; Tầm nhìn, mục tiêu; Quan điểm chỉ đạo; Nhiệm vụ, giải pháp, đo lường kết quả; Kế hoạch hành động. Đến nay, Cục Tin học hóa đã xây dựng xong dự thảo đầu tiên của Đề án CĐSQG để có thể gửi xin ý kiến của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tháng 3/2019 theo như yêu cầu của Bộ trưởng.
“Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp là những đối tượng sẽ chịu sự tác động của Đề án Chuyển đổi số quốc gia nên họ cần được tham vấn ý kiến ngay từ những bản dự thảo đầu. Mặt khác, vì Đề án khá rộng, việc tham khảo ý kiến của các đối tượng sẽ giúp chúng ta có thêm những nội dung chi tiết, phù hợp hơn để hoàn thiện dự thảo Đề án”, đại diện Cục Tin học hóa chia sẻ.
Bộ TT&TT nhận định chuyển đổi số chính là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hoá khát vọng hùng cường (Ảnh minh họa. Internet) |
Nhấn mạnh quan điểm "Chuyển đổi số là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại, thịnh vượng, là động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng, phải đi trước trong chuyển đổi số", cơ quan soạn thảo Đề án cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của các ngành và lĩnh vực, nhất thiết phải nghiên cứu và vận dụng tối đa các lợi ích từ những công nghệ số tiên tiến, cần quan tâm áp dụng các giải pháp dựa trên dữ liệu thời gian thực. Đảm bảo để chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau.
Nhà nước cũng cần có thái độ tích cực về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách để liên tục thích ứng với môi trường mới đang biến đổi nhanh chóng, bằng cách tự thay đổi chính mình.
Cục Tin học hóa đề xuất tầm nhìn của chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2030 là “Thực hiện chuyển đổi số để hướng tới một Việt Nam số. Trong đó, tận dụng đầy đủ tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế xã hội đất nước ổn định, thịnh vượng và bền vững”.
Quá trình chuyển đổi số quốc gia, theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2020 sẽ tập trung số hóa nền kinh tế, bên cạnh việc xây dựng nền tảng, hoàn thiện pháp lý, đào tạo nhân lực, Cục Tin học hóa đề xuất sẽ khởi động các nhiệm vụ ưu tiên, số hóa một số thành phần kinh tế để hướng tới đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp. Từ đó, đẩy nhanh chuyển đổi số của Chính phủ, trong doanh nghiệp và xã hội nhằm tăng hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, tạo ra các nguồn tăng trưởng mới.
Với giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, sẽ tập trung để đưa kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Những việc chính cần làm trong gian đoạn này là dịch chuyển các doanh nghiệp lên nền tảng số/các hệ sinh thái số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực KTXH, thúc đẩy các hệ sinh thái tích hợp mới hội tụ quanh các nhu cầu khách hàng. Tiếp đó, từ năm 2026 đến hết 2030, Việt Nam sẽ hướng tới một nền Kinh tế-Xã hội số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với đổi mới số; Tạo các cơ hội bình đẳng về thông tin và dịch vụ số; Phát triển nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số; Chuyển biến mạnh trong các hoạt động cơ quan nhà nước để minh bạch và hiệu quả là 4 mục tiêu chính được nêu ra trong dự thảo đầu tiên của Đề án CĐSQG.
Hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cùng các chi tiêu cụ thể đã được Cục Tin học hóa đề ra trong dự thảo Đề án. Cùng với đó, dự thảo Đề án cũng ặc biệt quan tâm tới quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp bởi đây là những lĩnh vực thiết yếu, nền tảng của KTXH đất nước.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các đơn vị liên quan đã đề nghị, dự thảo Đề án cần có nhiều giải pháp hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số vì nhóm doanh nghiệp này chiếm tới 90-95% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo ra từ 60-65% việc làm và có đóng góp đáng kể cho GDP. Liên quan đến vấn đề thể chế, chính sách, đại diện các cơ quan cho rằng cần phải có môi trường pháp lý tạo điều kiện cho nghiên cứu, sáng tạo, đặc biệt là cần sử dụng phương pháp quản lý theo hình thức “Sandbox”.
Đánh giá cao nỗ lực của Cục Tin học hóa để hoàn thành dự thảo Đề án CĐSQG trong thời gian ngắn theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị Cục tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, sớm hoàn thiện dự thảo Đề án trong tháng 3 để có thể gửi cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tham vấn ý kiến.