Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên như một công cụ làm thay đổi cách sống và làm việc của con người. Tại Việt Nam, cũng có những doanh nghiệp đang ngày đêm phát triển trợ lý ảo tiếng Việt nhằm phục vụ cho người Việt. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả tuyến bài về những nỗ lực phát triển trợ lý ảo phục vụ công chức, người dân.

Bài 1: Chatbot, phần không thể tách rời của khu vực công

Bài 2: Trợ lý ảo tiếng Việt giải bài toán chủ quyền trên không gian số

Bài 3: Vì sao người Việt cần mô hình ngôn ngữ lớn Make in Viet Nam?

Bài 4: Người Việt phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt

Những năm gần đây, ngành Tòa án Việt Nam thường xuyên rơi vào cảnh quá tải bởi số lượng vụ án tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, một trợ lý ảo pháp luật đã được phát triển nhằm chuyển đổi số hoạt động của ngành Tòa án.

Trải qua hơn 1 năm thử nghiệm, hệ thống này đã chứng minh được hiệu quả khi giúp giảm đáng kể lượng công việc của các thẩm phán, đồng thời tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án.

Một thư ký hỗ trợ đồng thời hàng nghìn thẩm phán

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ TT&TT, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, việc đưa vào hoạt động trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán là một trụ cột của quá trình chuyển đổi số ngành Tòa án.

Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ thẩm phán trong công tác chuyên môn đã đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Trước kia, mỗi thẩm phán thường có 2 thư ký giúp việc về hành chính và cả về lĩnh vực chuyên môn. Với trợ lý ảo, chỉ cần một thư ký nhưng lại có thể hỗ trợ chuyên môn cho hàng nghìn thẩm phán mọi nơi, mọi lúc, với “bộ óc” được cập nhật thường xuyên các thông tin có độ chính xác cao. 

Trên thực tế, trợ lý ảo đã hỗ trợ đắc lực cho việc tra cứu các văn bản pháp luật, thông qua ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, giúp thẩm phán có đầy đủ thông tin về quy định của pháp luật liên quan tới vấn đề cần tra cứu. 

W-tro-ly-ao-phap-luat-4-1.jpg
Các thẩm phán có thể đặt câu hỏi về các văn bản pháp luật để trợ lý ảo giải đáp thay vì mất thời gian tự tra cứu.

Đối với hoạt động tư pháp, bên cạnh chất lượng, thời hạn tố tụng là yếu tố rất quan trọng. Trợ lý ảo cũng đóng vai trò hỗ trợ thẩm phán quản trị công việc, đảm bảo thời hạn tố tụng, giải quyết các vụ việc được phân công bằng việc nhắc nhở, cảnh báo các công việc mà thẩm phán cần làm ngay. 

Bên cạnh đó, trợ lý ảo cũng là công cụ đắc lực trong việc hỗ trợ thẩm phán soạn thảo một số văn bản tố tụng, rà soát lỗi chính tả, kỹ thuật văn bản, mã hóa bản án trước khi đăng tải lên cổng thông tin điện tử. 

Trước đây, một thẩm phán thường mất khoảng 2-3 tiếng để mã hóa bản án trước khi ban hành. Với sự hỗ trợ của trợ lý ảo, bây giờ chỉ khoảng vài chục giây là việc này đã hoàn thành”, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng nêu dẫn chứng.

Về hỗ trợ soạn thảo văn bản tố tụng, hiện ngành Tòa án mới ứng dụng trợ lý ảo ở các văn bản mang tính chất biểu mẫu như giấy triệu tập hay thông báo tới thư ký vụ án. Tuy nhiên tới đây, ngành Tòa án sẽ sử dụng trợ lý ảo để hỗ trợ thẩm phán viết một phần nội dung bản án. 

Một tính năng quan trọng của trợ lý ảo là số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xét xử của các thẩm phán. Bằng công nghệ, những kinh nghiệm này có thể được lưu trữ lại, sau đó lan tỏa, làm cơ sở áp dụng đồng bộ trong hệ thống tòa án. Những thế hệ thẩm phán sau nhờ vậy có thể kế thừa và tham khảo.

Công cụ đắc lực của các thẩm phán mới vào nghề

Chia sẻ với VietNamNet, thẩm phán Lê Thị Khanh - Tòa án Nhân dân (TAND) quận Cầu Giấy cho hay: “Tôi có thói quen làm việc dựa trên các văn bản pháp luật và kinh nghiệm của mình. Nhưng sau khi sử dụng trợ lý ảo quen rồi, tôi thấy vô cùng hữu hiệu. Thay vì phải đi hỏi, lật giở hàng đống tài liệu, trợ lý ảo sẽ chỉ dẫn ngay cho mình”.

Theo bà Khanh, TAND quận Cầu Giấy hiện có 13 thẩm phán, ban đầu mọi người còn bỡ ngỡ với trợ lý ảo pháp luật, nhưng khi quen rồi, ai cũng nói rất hiệu quả. 

Ở góc độ một người sử dụng thường xuyên, thẩm phán Lê Thị Khanh cho rằng, trợ lý ảo là công cụ rất tốt cho các thẩm phán, đặc biệt là những thẩm phán trẻ, mới vào nghề, những thẩm phán mới ở nhiệm kỳ đầu. 

W-tro-ly-ao-phap-luat-5-1.jpg
Thẩm phán Lê Thị Khanh - TAND quận Cầu Giấy đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ công việc của trợ lý ảo.

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, kể từ khi được ứng dụng năm 2022 đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ các thẩm phán rất nhiều trong công tác xét xử. Tính trung bình, mỗi tháng có khoảng 100.000 lượt tương tác với trợ lý ảo. 

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho hay, sự phát triển cao nhất của trợ lý ảo mà Tòa án Nhân dân Tối cao hướng tới là tư vấn đường lối xử lý vụ việc và cung cấp dịch vụ đoán định tư pháp. Sau khi hoàn thành các định hướng này, trợ lý ảo sẽ được công khai cho người dân sử dụng nhằm giúp mỗi người dân đều có một công cụ trợ giúp về pháp lý.