Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang cho thấy những tác động làm thay đổi căn bản cuộc sống loài người. Thế giới đang trong cơn sốt trí tuệ nhân tạo, và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài cuộc đua đó. VietNamNet mới đây đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ của IBM Việt Nam về chủ đề này.
PV: Trước kia chúng ta hay nói về trí tuệ nhân tạo như một công nghệ xa vời, của tương lai. Nhưng sau sự thành công của ChatGPT, có vẻ AI giờ đây đang rất gần gũi với cuộc sống?
Bà Phạm Thị Thu Diệp: AI đang hiện diện ngay trước mắt và được tích hợp vào hầu hết lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày, từ hình thức sử dụng đơn giản thông qua điện thoại thông minh và các nền tảng thương mại điện tử, cho đến việc tự động hóa quy trình và chatbot.
Thực tế, AI đang trong giai đoạn bước ngoặt. Hệ thống AI ChatGPT đã xuất hiện và khiến người dùng vô cùng phấn khích trong 9 tháng qua. Thế nhưng các trường hợp sử dụng của người dùng lại không có sức mạnh chuyển đổi thực sự.
Khác với các sản phẩm cho người dùng phổ thông, AI cho doanh nghiệp sẽ có những yêu cầu riêng về độ chính xác và tốc độ mở rộng quy mô. Nhiều công ty còn muốn xây dựng AI theo các mô hình có thể dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh và trường hợp sử dụng mới.
Các mô hình nền tảng AI có thể mang lại giá trị theo nhiều cách, từ cắt giảm chi phí cho đến cải thiện kết quả với độ chính xác cao hơn nhờ các tập dữ liệu lớn và mạnh hơn. Ghi nhận với hệ thống Watsonx AI và nền tảng dữ liệu do IBM phát triển cho thấy, công nghệ AI đang phát huy hiệu quả trong việc giải bài toán doanh nghiệp với nhiều phản hồi tích cực.
Công nghệ AI liệu có thể đóng vai trò gì trong việc giúp Việt Nam chuyển đổi cả về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số?
Bà Phạm Thị Thu Diệp: Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á. Dự báo đến năm 2030, kinh tế số của Việt Nam sẽ đóng góp 30% vào GDP quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, cần tận dụng tác động quan trọng nhất của AI trong nền kinh tế số, đó là gia tăng năng suất.
AI có thể tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại, giúp người lao động có thời gian để tập trung vào những hoạt động mang lại giá trị cao, giảm bớt chi phí, tạo ra những ngành nghề và thị trường mới, cũng như đem lại cơ hội mới cho giáo dục và đào tạo, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Đối với chính phủ số, các giải pháp do AI cung cấp giúp Chính phủ nhanh chóng trả lời câu hỏi của người dân. Với sự hỗ trợ của AI, Chính phủ có thể thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để hiểu rõ về nhu cầu của người dân nhằm dự đoán nhanh và chủ động cung cấp dịch vụ phù hợp với từng cá nhân.
Để phát huy tối đa tiềm năng của AI trong chuyển đổi số nền kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững, điều Việt Nam cần làm là phải đảm bảo lợi ích mà AI mang lại được chia sẻ công bằng trong toàn xã hội.
Các nước đang phát triển như Việt Nam liệu có cơ hội trong cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo?
Bà Phạm Thị Thu Diệp: Xét về khía cạnh phát triển và ứng dụng, Việt Nam đang ở vị trí tốt để hưởng lợi và trở thành quốc gia dẫn đầu về AI. Theo Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index), Việt Nam đứng thứ 6 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN và đứng thứ 55 toàn cầu vào năm 2022, tăng 7 bậc so với năm 2021.
Chính phủ đã đầu tư đáng kể vào AI và các công nghệ số. Nhiều chương trình và chính sách cũng đã được đưa ra nhằm khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Nước ta cũng đang giảm thuế cho các công ty sử dụng công nghệ AI, thành lập một số trung tâm nghiên cứu AI tại các trường đại học và viện nghiên cứu.
Với tất cả những hỗ trợ trên, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố phù hợp để sớm khẳng định mình nằm trong số các quốc gia dẫn đầu về AI trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Việt Nam có hạn chế gì cần khắc phục khi theo đuổi công nghệ trí tuệ nhân tạo?
Bà Phạm Thị Thu Diệp: Việt Nam đã và đang có những nỗ lực đáng kể để bắt kịp sự phát triển không ngừng của AI. Như tôi đã đề cập, chúng ta đã vượt qua mức trung bình toàn cầu khi tăng 7 bậc so với năm trước về mức độ sẵn sàng cho AI.
Chúng ta đang theo đuổi tầm nhìn trở thành một quốc gia AI quan trọng ở châu Á. Để đạt được các mục tiêu phát triển AI đầy tham vọng của mình, Việt Nam đang từng bước giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực số. Chúng tôi cũng đang chung tay giải bài toán nguồn nhân lực qua việc triển khai chương trình đào tạo kỹ năng số IBM SkillsBuild tại Việt Nam.
Là chuyên gia đầu ngành, theo bà Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy phát triển, ứng dụng AI, trợ lý ảo?
Bà Phạm Thị Thu Diệp: Để ứng dụng một cách triệt để, Chính phủ cần có hiểu biết đúng đắn về AI. Việc ứng dụng và phát triển phải được nhìn từ lăng kính AI, xem AI là một công cụ để nâng cao năng suất lao động và khả năng sáng tạo, giúp tạo ra các cơ hội mới và giải quyết nhiều vấn đề hơn.
Chính phủ Việt Nam có thể phác thảo một lộ trình phát triển và khuôn khổ pháp lý về AI. Điều này sẽ giúp các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế gia tăng năng suất, tạo cơ hội tiếp cận công nghệ đồng đều để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số.
Việc ứng dụng AI phải được nhìn nhận trong bối cảnh năng lực và sự trưởng thành của công nghệ. Đây là một hành trình có hệ thống, đòi hỏi phải có một quan điểm tổng thể, với mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng AI để tăng trưởng kinh tế.