Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch công tác năm 2022 của Bộ VHTT&DL, ngày 23/5, Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) tổ chức hội thảo với chủ đề Chuyển đổi số và liên thông thư viện. Hơn 350 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà quản lý đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước đã cùng bàn thảo về thực trạng, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số và liên thông thư viện hiện nay.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định chuyển đổi số là vấn đề liên tục được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Đây cũng là vấn đề ngành thư viện nói riêng và VHTT&DL nói chung luôn đau đáu. Bởi lẽ, chương trình chuyển đổi số ngành thư viện chính là chiếc “chìa khoá” để thư viện Việt Nam tiến gần hơn đến bạn đọc.

Chuyển đổi số trong thư viện là vấn đề cấp bách.

Nhưng từ thực tế, dù đang từng bước hiện đại hoá thư viện nhưng công tác này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu thốn cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang là vấn đề phải thẳng thắn nhìn nhận. Chưa kể trong liên thông, nhiều thư viện chưa sẵn sàng chia sẻ nguồn chia sẻ vì nhiều lý do. Vì vậy, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề nghị thời gian tới, thư viện cùng toàn ngành VHTT&DL phải coi vấn đề chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển. Các thư viện phải liên kết chặt chẽ hơn nữa trong liên thông và chuyển đổi số. Mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu tri thức của bạn đọc, góp phần vào công cuộc phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư Viện nhấn mạnh trong những năm gần đây, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phát triển mà còn là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của mỗi quốc gia trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

“Có thể nói, chuyển đổi số là việc làm cấp bách nếu muốn phát triển. Để tiếp tục những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển, Việt Nam phải nỗ lực bứt phá trong chuyển đổi số. Ngành thư viện Việt Nam cũng phải có những bước tiến lớn, hiện đại hoá để theo kịp thời cuộc”.

Vụ trưởng Vụ Thư Viện cũng nêu một số mục tiêu cơ bản của chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác. 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa. 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa...

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong thư viện, liên thông ở mọi loại hình thư viện nhằm đảm bảo cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng, ông Hùng chỉ ra 4 nhiệm vụ trọng tâm: Số hóa tài liệu quốc gia, xây dựng dự án mục lục liên hợp quốc gia, xây dựng dự án cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam và triển khai chương trình nâng cao trình độ nguồn lực thư viện.

Những năm gần đây đã có những bước đi đầu tiên và kết quả thực tiễn về chuyển đổi số và liên thông thư viện.

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đại biểu đều cho rằng, chuyển đổi số và liên thông, liên kết, hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin ở các thư viện ở nước ta là vấn đề lớn. Trong những năm gần đây đã có những bước đi đầu tiên và kết quả thực tiễn về chuyển đổi số và liên thông thư viện. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đạt mục tiêu đề ra theo Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022 thì còn nhiều khó khăn.

Các đại biểu đã giá thực trạng chuyển đổi số và liên thông thư viện, trong đó nhiều ý kiến liên quan về cơ chế chính sách, công tác tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch, đề án, định hướng…; xác định khó khăn, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Nhiều tham luận xác định rõ hơn nguồn lực cho thư viện, từ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, kinh phí, đội ngũ người làm công tác thư viện… phục vụ chuyển đổi số và liên thông thư viện để đề xuất phương hướng, xác định lộ trình triển khai, mục tiêu thực hiện. Nhiều mô hình, giải pháp tiêu biểu về chuyển đổi số và liên thông thư viện phù hợp, kinh nghiệm về công tác tham mưu xây dựng kế hoạch, đề án về chuyển đổi số, liên thông thư viện cũng được các địa biểu chia sẻ trong dịp này.

Tình Lê