LTS: Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng.
Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.
Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài "Báo chí song hành cùng công nghệ".
Báo chí và công nghệ luôn gắn bó chặt chẽ như hai mặt của đồng xu. Sự phát triển không ngừng của công nghệ số đang tạo ra cả cơ hội và thách thức lớn đối với ngành báo chí.
Vậy công nghệ số sẽ dẫn dắt báo chí tới đâu trong tương lai? Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies) đã có những chia sẻ sâu sắc với VietNamNet về vấn đề này.
Báo chí Việt Nam trong vòng xoáy của công nghệ số
Theo ông Lê Quốc Vinh, có hai yếu tố công nghệ đang chi phối lớn đến sự phát triển của báo chí.
Thứ nhất là sự ra đời liên tục của các nền tảng công nghệ mới như mạng xã hội, OTT... Điều này buộc các cơ quan báo chí phải đa dạng hóa phương thức biểu hiện trên nhiều nền tảng khác nhau, sản xuất nội dung đa phương tiện (multimedia) để tiếp cận với khách hàng, bạn đọc của mình đa góc độ, đa hình thức.
Thứ hai là công nghệ hỗ trợ sản xuất nội dung báo chí như AI, phân tích dữ liệu... Những công nghệ này giúp nhà báo tác nghiệp dễ dàng hơn, từ tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu đến gợi ý đề tài, tạo ảnh minh họa...
"Nhìn về mặt tích cực, công nghệ cho phép chúng ta tạo ra những sản phẩm báo chí mới mẻ, thú vị và hấp dẫn hơn", ông Vinh nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, công nghệ cũng mang đến nhiều thách thức lớn cho báo chí. Điển hình là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đang làm giảm vai trò của báo chí trong việc dẫn dắt thông tin và định hướng dư luận.
Ông Vinh dẫn chứng: "Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, báo chí đưa ra dự đoán hoàn toàn khác so với kết quả thực tế. Sự khác biệt này phần lớn do tác động từ mạng xã hội. Quyền lực chi phối thông tin và nhận thức công chúng của báo chí không còn tuyệt đối nữa".
Chuyên gia Lê Quốc Vinh cũng cảnh báo về nguy cơ AI có thể thay thế một phần vai trò của báo chí trong tương lai. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu thông tin bị lan truyền theo cảm xúc cá nhân, thiếu kiểm chứng và không có sự lựa chọn của những người có chuyên môn.
"Đó là những thách thức mà báo chí vừa phải tận dụng công nghệ, vừa phải tìm cách để giữ được các giá trị cốt lõi của mình", chuyên gia Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Trở thành công ty công nghệ hay không phụ thuộc vào tầm nhìn của mỗi cơ quan báo chí
Hầu như các tờ báo lớn ở Mỹ và châu Âu đều chú trọng vào công nghệ. Nói đến việc đầu tư vào công nghệ, có thể kể tới những tên tuổi hàng đầu làng báo như tờ New York Times, The Washington Post của Mỹ hay Bild của Đức.
Do vậy, có quan điểm cho rằng, các cơ quan báo chí tới đây sẽ dần trở thành các công ty công nghệ, nên ứng dụng các công nghệ mới nhất và có tỷ lệ nhân sự làm về công nghệ nhiều hơn so với trước đây.
Bình luận về câu chuyện này, theo chuyên gia Lê Quốc Vinh, việc có trở thành "công ty công nghệ" hay không phụ thuộc vào tầm nhìn và định hướng của mỗi cơ quan báo chí.
"Nếu tòa soạn chọn loại hình báo chí cần chạy đua về tốc độ, khối lượng thông tin thì công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng. Còn với các cơ quan báo chí lấy nội dung chuyên sâu làm trọng tâm thì yếu tố con người vẫn phải là chủ đạo", ông phân tích.
Theo chuyên gia Lê Quốc Vinh, việc ồ ạt đầu tư công nghệ mà không cân nhắc kỹ có thể dẫn đến lãng phí lớn. Thay vào đó, các tòa soạn cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng độc giả để có chiến lược đầu tư công nghệ phù hợp. Để cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí cần tập trung vào những giá trị cốt lõi của mình như tính chính xác, sự độc lập và chiều sâu về mặt nội dung.
"Thay vì chạy đua về tốc độ, báo chí nên cạnh tranh ở độ chính xác, mức độ phân tích chuyên sâu và tác động của nội dung đối với công chúng. Đó là những thế mạnh mà mạng xã hội khó có thể sánh bằng", ông Vinh nhận định.
Gợi ý một số hướng ứng dụng công nghệ tiềm năng cho báo chí trong tương lai, nhà sáng lập Le Group of Companies nhắc đến công nghệ Blockchain với khả năng bảo vệ bản quyền nội dung, công nghệ VR để tạo trải nghiệm mới cho độc giả, hay AI để hỗ trợ kiểm chứng thông tin và dự báo phản ứng từ công chúng.
"Tương lai của báo chí số Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta nắm bắt và ứng dụng những công nghệ mới như thế nào. Quan trọng là phải biết tận dụng công nghệ để phục vụ cho sứ mệnh và giá trị cốt lõi của báo chí", ông Lê Quốc Vinh nói.