LTS: Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng. 
Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.
Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài "Sự song hành giữa báo chí và công nghệ".

Báo chí Việt trước thách thức của thời đại số

Theo thống kê năm 2024 của Wearesocial, 83,3% người dùng Việt Nam sử dụng Internet để đọc các nội dung báo chí, giảm 4,3% so với năm 2023. Thế nhưng, có đến 96,1% người sử dụng Internet Việt Nam sử dụng mạng xã hội, 84% người sử dụng Internet để xem các nội dung streaming. 

Xét về mặt thời gian, năm 2024, người Việt dành trung bình 1h47 phút mỗi ngày cho việc đọc báo online, giảm 15 phút so với năm 2023.

Trong khi, khoảng thời gian trung bình dành cho các kênh truyền thông xã hội là 2h25 phút. Đây là những con số sinh động cho thấy, báo chí Việt Nam đang dần bị bị lép vế bởi các kênh truyền thông xã hội. 

báo chí
Những sạp bán báo giờ đây đã trở nên vắng bóng trên các đường phố. Ảnh: Hoàng Minh

Trao đổi với VietNamNet về chủ đề này, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus đã nêu lên vấn đề mà giới báo chí hiện đang phải đối mặt. 

Khoảng 2-3 năm trước, khi dự một số hội thảo quốc tế, tôi thường thấy các chuyên gia truyền thông nói rằng, các loại hình báo chí truyền thống đang “suy giảm”. Nhưng đến năm nay, họ đã thay từ suy giảm bằng từ “sụp đổ”. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã góp phần vào việc đẩy nhanh xu thế này, và nó gần như không thể đảo ngược”, ông Nhật nói. 

Theo Phó Tổng biên tập VietnamPlus, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo của báo chí thế giới. Trước đây, những gì diễn ra với báo chí nước ngoài thì mất vài năm mới xảy ra với báo chí Việt Nam. Nhưng giờ mọi xu hướng đang diễn ra đồng thời. 

Độc giả ngày càng rời xa các nền tảng truyền thống và có xu hướng di cư lên các nền tảng số. Số liệu của Viện nghiên cứu Báo chí Reuters và Đại học Oxford đưa ra hồi tháng 6/2024 cho thấy, người trẻ ở Đông Nam Á có xu hướng thích xem tin hơn đọc tin. 

Với những thay đổi mang tính bước ngoặt kể trên, nếu các tòa soạn không chuyển đổi trọng tâm, mở rộng ra các nền tảng số, sẽ rất khó để phát triển được độc giả.

Công nghệ là “chìa khóa” giải bài toán báo chí Việt Nam?

Những năm gần đây, công nghệ đã tác động và làm thay đổi nhiều ngành nghề, bao gồm cả truyền thông, báo chí. Sự nổi lên và phát triển nhanh chóng của các loại hình công nghệ mới không chỉ thay đổi cách thức thông tin được tạo ra và phân phối, mà còn định hình lại toàn bộ hệ sinh thái truyền thông.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng hơn 30 cơ quan báo chí ở các quy mô khác nhau, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc Sản phẩm tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty cổ phần Công nghệ NEKO cho hay, công nghệ đã và đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí là cốt lõi, trong sự phát triển của báo chí hiện đại không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. 

Các tờ báo phát triển nhanh nhất, hiệu quả nhất đều có những hợp tác sâu rộng với các công ty công nghệ hoặc có đội ngũ công nghệ mạnh”, ông Duyến nêu quan điểm.

W-tro-ly-ao-askonomy-make-in-vietnam-3-1.jpg
Người dùng trải nghiệm trợ lý ảo hỏi đáp kinh tế Askonomy của Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy). Ảnh: Trọng Đạt

Trên thực tế, công nghệ đã đóng vai trò then chốt trong việc đổi mới và phát triển báo chí hiện đại, giúp cải tiến quy trình sản xuất nội dung thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn và quản lý hiệu quả bằng các hệ thống CMS tiên tiến.

Công nghệ cũng giúp phân phối nội dung thông minh hơn với thuật toán cá nhân hóa, tối ưu hóa SEO và tích hợp đa nền tảng. 

Khi các tòa soạn ứng dụng nhanh chóng các loại hình công nghệ mới, độc giả của họ cũng vì thế được trải nghiệm nội dung sống động qua video, podcast, thực tế ảo và nhiều ứng dụng di động tiện ích khác.

Các hệ thống đăng ký số, quảng cáo số, và thương mại hóa dữ liệu mang lại nguồn thu bền vững hơn cho báo chí.

Ví dụ, trước đây, khi sản xuất báo in, chúng ta mất rất nhiều công sức trong việc biên tập bản thảo, đọc, duyệt bông, kiểm soát lỗi chính tả… Ngày nay, việc sản xuất báo in dễ dàng hơn thông qua phần mềm và tự động hóa. 

Các tờ báo cũng từng rất vất vả khi phải phối hợp giữa nội dung, thiết kế và đội ngũ lập trình và để có được một bài emagazine. Nhưng hiện tại, phóng viên có thể dễ dàng tự soạn thảo các bài emagazine, megastory với các hiệu ứng đẹp mắt, dễ đọc trên cả PC và mobile mà không cần bất kỳ nhân sự kỹ thuật nào tham gia”, ông Duyến nêu dẫn chứng.

Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Theo ông Duyến, trên thế giới, không ít "ông lớn" công nghệ đã bước chân vào lĩnh vực báo chí, tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng. Điển hình là Google với Google News hay Microsoft cùng MSN News.

Đặc biệt, năm 2013, làng báo chí toàn cầu rúng động khi Jeff Bezos, nhà sáng lập và CEO Amazon, bất ngờ chi 250 triệu USD để sở hữu The Washington Post. 

Không dừng lại ở việc xuất bản báo chí, The Washington Post đã "lột xác" ngoạn mục, biến sản phẩm quản lý nội dung của mình (Arc XP) thành một nền tảng thương mại cung cấp cho các cơ quan truyền thông toàn cầu. Từ một tờ báo lâu đời, The Washington Post giờ đây đã vươn mình trở thành đối tác công nghệ, hỗ trợ và định hình tương lai của các tổ chức báo chí khác. 

Tại Việt Nam, không ít công ty công nghệ cũng đã tham gia vào lĩnh vực báo chí với việc hợp tác với các cơ quan báo chí để triển khai các trang thông tin điện tử tổng hợp. 

Câu chuyện thành công và truyền cảm hứng có thể kể đến Báo Mới của Công ty Cổ phần Công nghệ Epi hay hệ sinh thái các trang thông tin điện tử tổng hợp của VCCorp. Các trang thông tin điện tử tổng hợp này luôn nằm trong TOP các trang trong lĩnh vực truyền thông có lượt truy cập hàng đầu Việt Nam, theo báo cáo của SimilarWeb”, ông Duyến cho biết.

Đã đến lúc báo chí phải vượt ra ngoài báo chí

Trong thời đại công nghệ số, các cơ quan báo chí đang đứng trước ngã rẽ mới, nơi họ phải chuyển mình thành những công ty công nghệ để tồn tại và phát triển.

Phó Tổng biên tập VietnamPlus đã chia sẻ về xu hướng này khi nhắc đến những hình mẫu nổi bật trên thế giới: 

Một số chuyên gia báo chí thường hay lấy tờ New York Times làm hình mẫu khi muốn chia sẻ một xu hướng nào đó. Và nếu truy cập vào fanpage của New York Times thời gian gần đây, thay vì các tin tức liên quan đến ông Trump hay cuộc xung đột ở Trung Đông, bạn sẽ thấy họ đang… bán hàng theo hình thức tiếp thị liên kết (affiliate). Hay gần đây nhất, tờ Sydney Morning Herald, một trong những cơ quan báo chí lớn nhất Australia, ra mắt ứng dụng về đồ ăn”. 

Điều đó cho thấy “spin-off” (tạm dịch: đầu tư ra ngoài vùng cốt lõi của báo chí) đang trở thành xu hướng. Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, muốn làm vậy, trước tiên các tòa soạn cần phải đầu tư cho công nghệ. Vậy nên cơ quan báo chí trước tiên phải trở thành một “media-tech” (kênh truyền thông công nghệ) rồi hãy nghĩ tới “spin-off”.

Cũng giống như báo chí thế giới, các tòa soạn sẽ hình thành hệ sinh thái thông tin, bao gồm cả các nền tảng do chính họ tạo ra và các nền tảng do các gã khổng lồ công nghệ sở hữu. “Độc giả sẽ không phân biệt tin tức họ tiếp nhận trên nền tảng nào, do ai quản lý”, ông Nhật nêu quan điểm.

Tại Việt Nam, báo chí cũng đang dần chuyển mình để bắt kịp xu hướng. Một trong những ví dụ đáng chú ý là chiến lược Total VTV của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nơi người dùng trên nền tảng số được coi trọng ngang hàng với khán giả truyền thống. Đó là một sự thay đổi rất lớn về mặt tư duy mà các cơ quan báo chí khác cũng nên tiếp nhận và thay đổi.

Báo chí đang bước vào một giai đoạn mới, nơi biên giới giữa thông tin, công nghệ và thương mại ngày càng mờ nhạt. Để tồn tại và phát triển, báo chí phải vượt ra ngoài báo chí, không chỉ dừng lại ở việc tạo ra tin tức mà còn phải sáng tạo nên những giá trị mới, đáp ứng nhu cầu thay đổi không ngừng của độc giả trong kỷ nguyên số.