Theo đó, báo cho biết sẽ tạm dừng phát hành báo in từ 23/8 - 15/9 để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đây quả thật là một nỗi buồn với nhiều bạn đọc truyền thống của Thanh Niên. Song với riêng tôi, đó còn là nỗi xót xa lớn hơn thế dù bản báo cũng đã xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng như cơ quan chủ quản.

Tôi càng buồn hơn bởi lẽ tôi cũng đã gắn bó với báo suốt 26 năm trước khi nghỉ hưu với biết bao niềm vui và nỗi buồn.

{keywords}
Số báo in cuối trước khi tạm chia tay bạn đọc 

Kể ra thì điều này cũng khó nói là đã hợp lý hay chưa trong cách nghĩ của mỗi người. Nhất là khi mà bạn đọc thân thiết từng biết đây là một trong những tờ báo lớn của nước ta, nhưng với cách nhìn của mình, tôi thấy nên thế.

Thanh Niên là tờ báo của đoàn thể nhưng có ảnh hưởng chính trị - xã hội rộng lớn trong vài chục năm gần đây. Báo có số lượng phát hành một thời rất lớn và từng thuộc top 3 của khối nhật báo nước nhà về số lượng bản in bởi có lúc nó đã lên tới 4-5 trăm ngàn bản/ngày. 

Thế giới đổi khác

Thế rồi, do báo điện tử trở thành một xu thế mới nên mảng báo in không chỉ trong nước mà cả thế giới đã có sự đổi khác đến chóng mặt.

Năm 1999, tôi được Bộ Văn hoá Thông tin cử sang Thụy Điển theo học lớp cán bộ quản lý báo chí hệ nâng cao. Tôi có đến thăm nhà in của một tờ báo địa phương tại thành phố Kalmar. Tôi đã rất bất ngờ khi chứng kiến tại ngay nhà in, họ đóng gói từng tờ báo lẻ có in sẵn bao bì tên của người đặt mua để chuyển đến tận mỗi nhà ngay tảng sáng. Họ cho biết, bữa đó tờ báo này được phát hành 300.000 bản.

Thế nhưng chỉ sau đó có vài tháng, khi sang Việt Nam công tác,  cô giáo dạy chúng tôi cho biết, tờ báo mà chúng tôi từng đến thăm và xuống cả nhà in ngày đó, giờ số lượng báo giấy chỉ còn già nửa và lượng phóng viên, nhân viên cũng đã giảm đến 30%. Báo điện tử đã bắt đầu chứng tỏ sức mạnh vượt trội của nó.

Lúc này, tôi nhớ trong nước ta vẫn chưa hề có báo điện tử mà mới chỉ manh nha đâu đó một vài trang web, trong khi các nước Bắc Âu và Tây Âu thì phát triển như vậy nên chỉ mới nghe mà thấy choáng.  

Giờ đây, tôi được biết, tờ báo Thanh Niên có gần 500 cán bộ, phóng viên cùng công nhân xí nghiệp in của báo và cộng tác viên phát hành. Riêng đội ngũ phát hành tại TP.HCM, báo phải ký hợp đồng khoảng 30 người chỉ để đưa báo lẻ đến tận nhà, giúp họ khỏi ra sạp mua. Thế nhưng hiện nay, vì thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16 của Chính phủ nên báo chỉ được thành phố cấp đúng 30 thẻ ra đường. Vậy thì làm sao còn ai đi lấy thông tin viết báo, người làm báo còn lại rất hùng hậu kia còn mấy ai được đi lại?

{keywords}
Sạp báo tại số 424 Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng

Tôi được biết, lãnh đạo báo cũng đã khẩn khoản xin thành phố chia sẻ, tăng thành 60 thẻ nhưng không được chấp nhận trong khi toà soạn chính của báo lại đặt ở thành phố.

Vậy thì đúng là TP.HCM dù chưa có chủ trương “lockdown” (phong tỏa) thì đã có tờ báo như Thanh Niên tự “knock-out” (khác nào bị một cú đấm đo ván).

Thị trường báo chí theo tôi biết thì không đâu sôi động như TP.HCM. Vậy mà nơi này không còn được bán báo ngoài sạp thì xem như khó tồn tại.

Chủ động chuyển hướng

Tôi nghĩ rồi cũng sẽ còn tiếp tục thực trạng này trong những ngày tới khi nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước cũng đang thực hiện Chỉ thị 16 và 16+ mà khả năng sẽ còn kéo dài.

Thế nhưng nhiều khi trong “cái khó ló cái khôn”, trong “nguy có cơ” cũng là vậy.

Nên chăng đây là lúc các tờ báo in cùng bình tĩnh ngồi lại, tính toán cho kỹ mà xem ra giải pháp cùng tạm dừng phát hành không phải là thứ gì quá đáng lo, trừ các tờ báo được nhà nước bao cấp một phần hoặc được “bao đầu ra” thì vẫn có thể in báo để chuyển qua đường bưu điện. Song, ngay cả như vậy thì sức đọc vốn có của mỗi ấn phẩm cũng không lớn vì nhiều cơ quan của nhà nước cũng đang buộc giảm số người đến công sở.

Đây là thời điểm báo in cần có quyết định sáng suốt mà không phải lúc nào thảm họa này cũng đến. Đó là việc liệu có thể chủ động chuyển hướng, bỏ hẳn in báo giấy sang hẳn làm báo điện tử. Tức là sẽ xoá đi một thói quen của một thế hệ người tuổi đã khá cao đang đọc trong xã hội?

Nhiều người chỉ cần có trong tay một chiếc điện thoại thông minh là thực ra cả thế giới đã nằm trong tay của họ. Nó đã và đang trở nên thân thuộc với loài người và cũng là xu thế tất yếu. Vì lẽ đó, tôi nghĩ người cao tuổi rồi đây vẫn có thể thích nghi ít nhiều. Như vậy cũng là một cách giúp các báo chúng ta "tự chủ động quy hoạch” theo một cách không hề có kịch bản trước.

Bình thường và không có những chuyện lớn thế này, tôi đồ rằng, nếu ai nảy ra suy nghĩ trên sẽ bị nhiều người phản đối và cười nhạo.

Song, vào lúc này, biết đâu đó chính là cách chúng ta cần suy nghĩ thật cẩn trọng nhưng lại khá táo bạo để tự giải quyết một bài toán kinh tế quá khó khăn đang đặt ra với các tờ báo giấy hiện nay.

Đó là khi mà nền kinh tế nước nhà và thế giới đang bị đình đốn, nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp cũng vì thế mà ngưng trệ đến mức nghiêm trọng thì việc càng in báo sẽ càng lỗ không thể chịu thấu.

Ấy là chưa nói chuyện sâu xa, cũng chưa chắc báo in ra hiện đã có nhiều người đọc nếu tờ báo đó phát hành đến các công sở. Báo in của cả thế giới khoảng 1-2 chục năm qua đang sa sút dần phong độ chứ không chỉ nước ta, giờ lại thêm một cú đấm trời giáng thế này, nếu như không gọi là” knock-out” thì biết gọi là gì đây!  

Tin mới nhận được từ báo Thanh Niên, TP.HCM chiều qua đã cấp bổ sung 50 thẻ đi lại cho báo, thành tổng số 80 thẻ. Tuy nhiên, với một toà soạn như Thanh Niên, số thẻ như vậy vẫn khó để đủ cho nhân lực. Song đây cũng là một sự ghi nhận mà các cơ quan chức năng thành phố đã chia sẻ với hoạt động của báo chí.

 

Quốc Phong

Báo chí và mạng xã hội, sống chung hay đối đầu?

Báo chí và mạng xã hội, sống chung hay đối đầu?

Tuần Việt Nam trò chuyện với TS toán học Nguyễn Ngọc Chu, người mà bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân hiếm khi dưới 1.000 like.