Lãi suất ngân hàng nào cao nhất trong tháng 10?

Bước sang tháng 10, một số ngân hàng có sự điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động so với tháng trước.

Đơn cử, ngân hàng ACB giảm lãi suất tại các kỳ hạn từ 1-36 tháng trong tháng 10, với mức giảm từ 0,1% so với tháng trước. Ngân hàng VIB điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất tiền gửi tại hầu hết các kỳ hạn.

Trong tháng 10 này, ngân hàng Techcombank có sự điều chỉnh tăng, giảm trái chiều tại các kỳ hạn so với đầu tháng trước. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng đều tăng 0,1%; kỳ hạn 3 tháng tăng 0,15%; kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng tăng 0,1%; kỳ hạn 12 tăng 0,1%. Còn kỳ hạn 6 tháng lại giảm 0,2%; các kỳ hạn từ 7-11 tháng giảm 0,1%. Các kỳ hạn từ 13-35 tháng không đổi so với tháng trước.

Ngân hàng Eximbank cũng có sự điều chỉnh tăng, giảm tại đa số kỳ hạn so với tháng trước. Trong đó, các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng được tăng lần lượt là 0,1%, 0,15% và 0,2%. Còn lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lại giảm tới 0,4 điểm %, xuống còn 5,1%/năm. Các kỳ hạn từ 7-11 tháng được giảm 0,1%. Kỳ hạn 12 tháng được giảm 0,2%. Các kỳ hạn từ 15-36 tháng  giảm 0,1%.

Trong khi đó, hầu hết ngân hàng đều cơ bản duy trì mức lãi suất huy động như trong tháng trước. Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1-36 tháng của các ngân hàng trong tháng 10 dao động từ 2,5-7,1%/năm.

{keywords}
Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Theo biểu lãi suất tại hơn 30 ngân hàng vào ngày 10/10, mức lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay là 7,1%/năm, thuộc về hai ngân hàng Techcombank và ACB. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này tại Techcombank, khách hàng cần có 999 tỷ đồng trở lên và gửi 12 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Còn tại ACB, mức lãi suất này được triển khai cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 30 tỷ đồng trở lên.

Đứng ở vị trí thứ hai là MSB với mức 7%/năm, điều kiện khách hàng gửi số tiền từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng.

Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất hấp dẫn, như: LienVietPostBank (6,99%/năm), MBBank (6,9%/năm), Ngân hàng Việt Á (6,9%/năm), SCB (6,8%/năm), CBBank (6,7%/năm)...

Ở từng kỳ hạn, lãi suất huy động giữa các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn.

Cụ thể, với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm tại quầy ở mức 2,5-4%, GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động gửi tại quầy được niêm yết trong khoảng 3,2-4%, cao nhất vẫn là GPBank. Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy từ 4-6,25%, vị trí dẫn đầu là CBBank. Kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 4-6,35%, cao nhất vẫn là CBBank.

Còn đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 4,85-6,8%, đứng đầu là SCB. Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5,1-6,6%; Bắc Á Bank, CBBank và Kiên Long Bank là 3 ngân hàng cùng giữ mức lãi suất cao nhất. Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-6,8%, SCB có mức lãi suất tốt nhất.

Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,1-7%. VRB ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở các kỳ hạn này.

{keywords}
 Lượng tiền gửi vào ngân hàng thấp nhất trong gần 10 năm qua.

Lãi suất huy động có thể giảm thêm

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

NHNN cho biết lãi suất huy động VND bình quân vào cuối tháng 6/2011 ở mức 15,6%/năm, trong khi trần lãi suất là 14%/năm. Lãi suất huy động giai đoạn 2010-2011 ở mức cao vì các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản, đặc biệt các ngân hàng nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn nên buộc phải tăng lãi suất huy động lên cao kỷ lục.

Hiện nay, lãi suất tiết kiệm đã giảm xuống chỉ còn 4-5%/năm. Như vậy, trong vòng 10 năm qua, lãi suất huy động tiền gửi tại Việt Nam đã giảm khoảng 10 điểm %, mức giảm mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính khiến lãi suất tiền gửi của Việt Nam giảm sâu là do lạm phát đã được kiểm soát, nền kinh tế ổn định, thanh khoản của các ngân hàng những năm gần đây luôn ở trạng thái dồi dào.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho hay, không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà việc cho vay vốn cũng không dễ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn như trước.

Tuy nhiên, do mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp kỷ lục nên lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng đã chậm lại rõ rệt kể từ đầu năm. Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tiền gửi ngân hàng của dân cư trong tháng 7 chỉ đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước đó nhưng là mức tăng thấp nhất trong gần một thập niên trở lại đây.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 7,17% thì huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ đạt 4,28%, giảm mạnh so với mức 7,48% cùng thời điểm năm 2020.

Theo các chuyên gia, dù chênh lệch tiền gửi - tín dụng gần đây đã thu hẹp hơn nhưng vẫn chưa thực sự tạo áp lực và lãi suất huy động tiếp tục đi ngang. Khi NHNN thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19 thì lãi suất huy động có thể giảm thêm.

Tuấn Dũng

Lãi suất tiền gửi giảm từ 14% xuống chỉ còn 4%/năm, đâu là nguyên nhân?

Lãi suất tiền gửi giảm từ 14% xuống chỉ còn 4%/năm, đâu là nguyên nhân?

Lãi suất tiền gửi tại Việt Nam đã giảm sâu trong thập kỷ qua từ mức hơn 14% trong năm 2011 xuống chỉ còn 4-5%/năm.