Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt trong tương lai bởi sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ. Sân chơi “màu mỡ” này không còn là địa hạt độc quyền của các sàn TMĐT hàng đầu hiện nay.
Thương hiệu lớn mạnh tay đầu tư
Trong bối cảnh xã hội và kinh tế đang bước vào chuyển đổi số, với thế mạnh là vốn và uy tín các thương hiệu lớn dù đang có doanh thu tốt trên các kênh truyền thống vẫn mạnh tay chi tiền để tạo vị thế trên kênh TMĐT, đẩy mạnh mảng bán hàng trực tuyến. Nhiều “ông lớn” ngành hàng không, tiêu dùng, công nghệ… không chỉ nâng cấp website có hàng trăm ngàn lượt truy cập mỗi tháng mà còn triển khai bán hàng rộng rãi trên các sàn TMĐT đại chúng.
Sự chuyển đổi này là giải pháp số mang tầm chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp có tầm nhìn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở bán hàng trên website, sàn TMĐT, mà còn tiến tới việc phát triển Mobile App bán hàng của riêng mình. Nhất là khi xu hướng mua sắm trên smartphone ngày càng phổ biến, đưa doanh nghiệp đi xa hơn trong tương lai.
Vì vậy những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMes) hiện nay muốn bắt kịp “con sóng” chuyển đổi số để không tụt lại so với những thương hiệu lớn, ngoài vấn đề cần thay đổi tư duy, nắm bắt kịp thời thì nên có những giải pháp hợp lý hơn với mô hình của mình.
AppMobile - lựa chọn của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trong thời đại khi chuyển đổi số trở thành động lực phát triển, nhiều doanh nghiệp SMEs cũng đang dần bước vào con đường này. Có hai loại hình doanh nghiệp SMEs phù hợp để tham gia vào thị trường TMĐT, đó là doanh nghiệp có mô hình kinh doanh với cốt lõi TMĐT và doanh nghiệp bán lẻ mở rộng kênh bán hàng TMĐT. Theo ông Phan Tùng (CEO Công ty cổ phần Abaha toàn cầu), e ngại lớn với các doanh nghiệp SMEs khi nhắc đến chuyển đổi số là chi phí lớn, rào cản công nghệ và ngân sách hạn chế. Tuy nhiên, vẫn có giải pháp cho doanh nghiệp SMEs tham gia TMĐT dựa trên nhiều lợi thế riêng biệt.
Trên thực tế, hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. Ngày càng có nhiều tiền được chi tiêu trực tuyến vì thế kỳ vọng của khách hàng rất cao. Họ có nhiều lựa chọn từ việc mua hàng và thường không chấp nhận thời gian giao hàng chậm. Thực tế này rất phù hợp để khai thác thế mạnh của doanh nghiệp SMEs là hiểu biết về nhu cầu, thói quen của khách hàng, khả năng giao hàng nhanh chóng, cung cấp dịch vụ linh hoạt. Vì thế, không cần chạy theo các ông lớn, doanh nghiệp SMEs vẫn có thể tập trung vào sân chơi của riêng mình bằng cách phát triển Mobile App bán hàng mang thương hiệu doanh nghiệp, tận dụng lợi thế sẵn có và tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt.
Ông Phan Tùng nhận định: “Doanh nghiệp SMEs thậm chí còn có lợi thế hơn các doanh nghiệp lớn ở chỗ họ gần khách hàng nên mọi phản hồi từ khách hàng đều được ghi nhận và xử lý nhanh chóng, kịp thời. Cơ hội TMĐT, vì vậy, rất rộng mở với doanh nghiệp SMEs và MobileApp không chỉ là kênh bán hàng mà còn là công cụ làm marketing, thương hiệu hiệu quả đồng thời lưu trữ thông tin của tệp khách hàng thân thiết. Từ đó, việc chăm sóc, giữ chân, kết nối với cộng đồng khách hàng càng thuận lợi hơn”.
SAAS - Giải pháp số cho doanh nghiệp SMEs
Hiện nay, các công ty công nghệ đang cung cấp nhiều giải pháp phù hợp với doanh nghiệp SMEs có nhu cầu chuyển đổi mô hình TMĐT và phát triển Mobile App. Trong đó, phải kể đến mô hình SAAS (Software-as-a-Service) phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm dựa trên công nghệ điện toán đám mây.
Trên thực tế, với SAAS, nhà cung cấp không bán sản phẩm phần mềm mà bán dịch vụ dựa trên phần mềm đó. Vì vậy, doanh nghiệp SMEs sử dụng SAAS có thể phát triển mobile App bán hàng trực tuyến riêng mà không cần phải đầu tư chi phí lớn, tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí chuyển đổi và chi phí cơ hội. Nhà cung cấp SAAS sẽ thường xuyên cập nhật phần mềm, tối ưu hóa các tính năng. Đồng thời cho phép doanh nghiệp sử dụng dịch vụ mở rộng số lượng tài khoản theo nhu cầu, tích hợp thêm các phần mềm mới hỗ trợ bán hàng mà không làm ảnh hưởng đến cơ sở dữ liệu đã có.
Ông Phan Tùng cho biết: “Mô hình này cũng được Abaha phát triển và cung cấp sau chuẩn hóa các module phù hợp với hầu hết các mô hình kinh doanh hiện có. Với công cụ này của Abaha, doanh nghiệp được hỗ trợ để tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, tối ưu nguồn lực đồng thời tạo sự cạnh tranh khác biệt, tăng trưởng bền vững, khẳng định thương hiệu”.
Bích Đào