Thị trường chứng khoán thêm một phiên giao dịch sôi động với thanh khoản tăng vọt. Dòng tiền đổ mạnh vào nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng. Nhóm cổ phiếu thép, trong đó có Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng diễn biến ấn tượng.

Vào thời điểm gần cuối phiên giao dịch khớp lệnh chiều 7/6 (gần 14h30 phút), một lượng lớn cổ phiếu Novaland (NVL) đã được mua sạch, kéo giá tăng trần.

Tới hết phiên giao dịch chiều, hơn 52,8 triệu cổ phiếu Novaland được khớp lệnh. Chốt phiên, NVL tăng thêm 950 đồng lên 14.550 đồng/cp.

Mã PDR của Bất động sản Phát Đạt cũng tăng trần, từ trước đó với gần 22,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng. PDR tăng 1.000 đồng lên 15.950 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/6 (14h45), cả 2 cổ phiếu này đều tăng hết biên độ. Khối lượng bán trong phiên khớp lệnh định kỳ cuối phiên (ATC) không nhiều do có rất ít người bán ra.

Trong khi dư mua giá trần và giá ATC đối với cổ phiếu Novaland và Bất động sản Phát Đạt lên tới hàng triệu đơn vị.

Thị trường chứng khoán đang hút dòng tiền. (Ảnh: HH)

Chốt phiên 7/6, VN-Index có thêm 1 phiên tăng điểm, với 1,23 điểm lên 1.109 điểm, dù áp lực chốt lời khá mạnh sau khi giá nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh trong 1-2 tuần qua. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 995 triệu đơn vị, trị giá hơn 17.900 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu trụ cột (VN30), thị trường ghi nhận sự bứt phá của mã HPG (Hòa Phát). Cổ phiếu này tăng 850 đồng lên 22.600 đồng/cp – mức cao mới kể từ tháng 10/2022. HPG chứng kiến gần 55,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong phiên 7/6

Masan (MSN) do ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch cũng tăng mạnh thêm 1.900 đồng lên 75.500 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu thép bùng nổ sau thông tin nhu cầu tiêu thụ hồi phục trong nước. Các mã thép khác như Nam Kim (NKG), Hoa Sen (HSG), POM, TLH, TIS… đều tăng mạnh, với thanh khoản bùng nổ.

Như vậy, sau bất động sản, nhóm thép bắt đầu rục rịch tăng trong vài phiên trở lại đây. Cổ phiếu POM thậm chí còn tăng hơn 50% chỉ sau khoảng 2 tuần. 

Hôm 6/6, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) trong tháng 5 tăng 16% so với tháng 4. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của tập đoàn này từ đầu năm.

Gần đây, Hòa Phát đã mở lại một số lò cao (đóng vào cuối năm ngoái). Trong khi đó, Pomina cũng đã có kế hoạch mở lại lò cao. Trên thế giới, giá thép cũng đang tăng nhẹ trở lại.

Giải thích về hiện tượng nhiều nhóm cổ phiếu bật tăng trở lại, ông Nguyễn Hưng (một nhà đầu tư tại Hà Nội) cho rằng, dòng tiền dường như đang được đổ vào để bắt đáy sớm khi giá cổ phiếu hiện vẫn ở mức thấp. Hàng loạt các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã được đưa ra và có thể có tác động tích cực tới doanh nghiệp trong vài tháng tới.

Ông Hưng cũng cho rằng, lãi suất đã giảm ở nhiều ngân hàng. Ở giai đoạn đầu này khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp còn thấp. Tăng trưởng tín dụng đang ở mức rất thấp. Do vậy, đồng tiền thông minh có thể chọn điểm đến sinh lời trong ngắn hạn.

Nhiều chuyên gia tỏ ra thận trọng với thị trường. Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM cho rằng, “mọi thứ vẫn bình thường”, có thể là sóng FOMO (fear of missing out), lo sợ mất cơ hội. 

Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư của AFC Vietnam Fund cho rằng, nhiều mã tăng mạnh nhưng thực ra vẫn ở tình trạng “đo ván”. Như NVL vẫn mất 70-80% so với đỉnh.

Chuyên gia đánh giá, khả năng một số mã cổ phiếu sẽ khó hồi về mức cũ sau những biến cố, giống như trường hợp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (HAG).

Với bất động sản, khả năng này càng khó. Thực tế, trong cuộc khủng hoảng bất động sản năm 2012, nhiều mã như QCG, SCR… tới giờ vẫn chưa “về bờ”.

Theo VNDirect, hiện còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để. 

Sức cầu ảm đạm của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng. Dự báo tổng nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Ngay cả với Hòa Phát, cú huých đầu tư công được đánh giá cũng sẽ không được như kỳ vọng.

Còn Chứng khoán VCBS cho rằng, tỷ trọng tiêu thụ thép trong đầu tư công là không đáng kể, chỉ 10%-15%. Hiện, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm.