Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tháng 1/12 tiếp tục chứng kiến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán và thép.
Khoảng 10h, thị trường ghi nhận khoảng 320 mã tăng điểm, trong đó có 50 mã tăng trần. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index chỉ tăng khoảng 7 điểm, lên trên 1.056 điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản như Novaland (NVL), Phát Đạt (PDR), DIC Corp. (DIG), Hải Phát Invest (HPX), Đất Xanh (DXG), Phát triển Bình Dương (TDC), DRH... tiếp tục tăng trần với dư mua còn rất lớn.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 1.200 đồng, xuống 68.400 đồng/cp sau cả chục phiên nâng đỡ thị trường vào cuối tháng 11. Cổ phiếu Vincom Retail (VRE) cũng giảm nhẹ. Vinhomes (VHM) trong khi đó tăng khiêm tốn.
Nhóm cổ phiếu thép cũng bứt phá dữ dội. Thép Hòa Phát (HPG) nhiều thời điểm tăng trần. Tôn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) tăng hết biên độ với dư mua cả triệu đơn vị.
Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tăng hơn 60% trong vòng 3 tuần, lên 19.300 đồng/cp như hiện tại, qua đó giúp túi tiền tăng thêm gần 700 triệu USD, từ mức 938 triệu USD hôm 14/11 lên 1,6 tỷ USD vào 30/11.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến tích cực với nhiều mã tăng trần (CTS, APG), và nhiều mã tăng mạnh (VND, SSI).
Các cổ phiếu bất động sản công nghiệp cũng tăng mạnh.
Thị trường diễn biến tích cực với nhóm midcap và smallcap dậy sóng trong bối cảnh các tin xấu dường như đã qua đi, trong khi đó tin tốt dội về khá nhiều. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng trong nhiều phiên gần đây, mỗi phiên tới cả 1-2 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng trong tháng 11, khối ngoại đã mua ròng khoảng 13-14 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 12, quỹ Fubon có thể đổ thêm 4.000 tỷ đồng vào TTCK Việt Nam. Đây sẽ là bệ đỡ rất quan trọng.
Giới đầu tư cũng vừa đón nhận thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất. Đây là một tin tốt cho nhiều thị trường trên thế giới. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 700 điểm sau phát biểu của chủ tịch Fed.
Tình hình vĩ mô Việt Nam vẫn khá tích cực. Tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao. Lạm phát ghi nhận ở mức khá thấp 4,37% trong tháng 11 (so với cùng kỳ). Tỷ giá ổn định trở lại. Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng khá tốt.
Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận áp lực chốt lời sau khi VN-Index tăng trong nhiều phiên liên tiếp. Chỉ số PMI của ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 47,4 điểm trong tháng 11, kết thúc thời kỳ tăng trưởng kéo dài 13 tháng, phản ánh nhu cầu trên thị trường quốc tế đang yếu đi.
VN-Index sáng 1/12 vượt ngưỡng 1.050 và hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.080-1.100 điểm.