- Có những tác động có thể thấy sớm, nhưng có những tác động đến đời con cháu chúng ta sẽ thấy thì đã muộn, theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.

LTS: Kết luận của Báo cáo Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong được Bộ Tài nguyên Môi trường công bố mới đây đang khiến nhiều nhà khoa học trong nước băn khoăn. Báo VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia sinh thái ĐBSCL, người có nhiều năm nghiên cứu về khu vực đồng bằng châu thổ này.

{keywords}
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Văn.

PV: Mới đây, Bộ TNMT đã tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia Báo cáo Nghiên cứu tác động của thủy điện Mekong đối với ĐBSCL (gọi tắt là nghiên cứu MDS). Theo ông, nghiên cứu này có tầm quan trọng như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Hữu Thiện: Nghiên cứu này rất quan trọng vì trước đây Việt Nam và Campuchia, dựa trên khuyến nghị của Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mekong, mà tôi có tham gia nghiên cứu, đề xuất hoãn quyết định xây hay không xây tất cả các đập trong 10 năm để nghiên cứu thêm, cho nên nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ là câu trả lời khoa học chính thức. Hơn nữa, trên báo Tuổi Trẻ đăng ngày 18/7/2015, khi sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Lào có nói: “Nếu thật sự việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong có ảnh hưởng, tác động lớn tới môi trường và đời sống của nhân dân thì nhất định chúng ta không nên làm”

- Với tầm quan trọng của nghiên cứu MDS như thế, ông đánh giá thế nào về chất lượng của nghiên cứu này cũng như những kết luận mà nghiên cứu đưa ra?

- Nhận xét chung của tôi là nghiên cứu MDS được tiến hành bởi các chuyên gia nước ngoài, ngồi ở văn phòng ở xa, thiếu am hiểu sâu sắc về ĐBSCL. Phương pháp chủ yếu là chạy mô hình máy tính dựa trên kịch bản giả định về sự vận hành các đập thủy điện để cho ra số liệu về thủy văn và phù sa. Từ kết quả mô hình về thủy văn và phù sa thì suy ra tác động lên các ngành nông nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy rồi từ tác động lên bốn ngành đó suy ra tác động lên sinh kế và kinh tế.

Tôi cho rằng bản thân khung nghiên cứu chung đã không chặt chẽ, có nhiều mối liên hệ bị bỏ sót. Ví dụ, lẽ ra vấn đề sạt lở khi mất phù sa phải là một vấn đề chính, nhưng nghiên cứu lại cho sạt lở chỉ là tác động trung gian gây ảnh hưởng lên đa dạng sinh học, nông nghiệp, thủy sản, và giao thông thủy mà thôi. Như vậy là phiến diện bởi vì ta biết ĐBSCL là do chính phù sa hàng ngàn năm bồi đắp mà tạo nên trong quá trình “kiến tạo đồng bằng” tự nhiên diễn ra hàng ngàn năm, nay cắt đứt quá trình đó thì sạt lở, tan rã, dần dần trả lại trạng thái trước khi xuất hiện đồng bằng là một việc nghiêm trọng, đâu phải chỉ là trung gian tác động lẻ tẻ lên cây lúa, chim cò, tôm cá, tàu thuyền bây giờ mà thôi.

Ngoài ra, nghiên cứu được thực hiện bởi các tiểu nhóm riêng biệt, không có kết nối với nhau, nên không thấy được bức tranh chung. Ví dụ ngành thủy sản nghiên cứu riêng, ngành sinh thái nghiên cứu riêng, cho ra kết quả riêng mà không tương tác qua lại. Kết quả giảm thủy sản không được tính trong tác động lên đa dạng sinh học. Trong mỗi ngành thì phạm vi đánh giá tác động cũng rất hẹp.

{keywords}
Các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. 

- Xin ông đưa ra một số ví dụ cụ thể về những bất cập vừa nêu?

Chẳng hạn, mảng nghiên cứu thủy sản nói các đập thủy điện sẽ làm giảm nguồn cá tự nhiên rất nhiều, nhất là cá trắng trong khi đó mảng sinh thái lại lo chạy mô hình mực nước xem ảnh hưởng bao nhiêu diện tích sinh sống của các loài mà không lo xem xét khi không có cá thì chim, cò, rùa, rắn ăn gì; không có cá thì còn bao nhiêu ngàn hecta để làm gì.

Mảng thủy sản không đề cập việc giảm thủy sản biển do giảm phù sa và dinh dưỡng mà sông Mekong mang ra hàng năm.

Mảng nông nghiệp chỉ xem xét ảnh hưởng giảm phù sa, dinh dưỡng đối với lúa và bắp, không tính vườn cây ăn trái, và cho rằng dinh dưỡng trong phù sa và dinh dưỡng trong phân bón là như nhau, có thể qui đổi được và từ đó tính toán nhanh chóng được giảm năng suất lúa tương ứng đến tận từng xã của 1594 xã ở ĐBSCL. Nghiên cứu này không nhìn thấy sự suy thoái đất dần dần khi thiếu phù sa và về lâu dài dù có tăng phân bón, năng suất lúa ĐBSCL vẫn sẽ giảm. Nông dân làm lúa ba vụ trong đê lâu năm đã biết điều này. Năm nay dân làm lúa ngoài đê, không có lũ về, đang rầu vì thiếu phù sa, năm tới khó làm lúa.

Mảng sinh kế cũng chỉ coi số người trong phạm vi 5km, 10km, 15 km ven sông Tiền, Sông Hậu bị ảnh hưởng thu nhập thế nào do mực nước và độ mặn thay đổi, theo mô hình mực nước máy tính chạy ra.

Mảng kinh tế lẽ ra phải bao trùm tất cả, nhưng chỉ xét về nông nghiệp, giao thông thủy, và đa dạng sinh học riêng lẻ mà không xét tác động liên hoàn lên toàn bộ nền kinh tế. Nếu xét cho kỹ, hai trụ cột kinh tế chính của ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản đều dựa vào nước và phù sa. Tác động lên hai trụ này thì tác động đến tất cả mọi mặt kinh tế, đời sống, văn hóa của ĐBSCL, kể cả công nghiệp, xây dựng, và dịch vụ. Ví dụ cát sông không về thì ngành xây dựng cũng bị ảnh hưởng, ngoài chuyện sông biển sạt lở tứ tung. Người nông, ngư dân nghèo đi thì có hàng loạt hệ lụy khác…

- Như vậy, theo ông, nghiên cứu này có trả lời được câu hỏi là thủy điện Mekong có ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam như thế nào không?

- Tôi cho rằng nghiên cứu này bị hẹp, thiếu xem xét tác động toàn cảnh, đơn giản hóa vấn đề. Kết quả của nghiên cứu chắc chắn là sẽ thấp hơn rất nhiều so với thực tế mà trong tương lai ĐBSCL sẽ phải đối mặt. Có những tác động có thể thấy sớm, nhưng có những tác động đến đời con cháu chúng ta sẽ thấy thì đã muộn.

Lê Văn (thực hiện)