Khi bước vào một kỷ nguyên mà sự khan hiếm nước phổ biến hơn, chúng ta mới nhận ra mình hầu như chả biết gì về nguồn tài nguyên này ngoài suy nghĩ mặc định: Con người không thể sống nếu thiếu nước.

Giờ đây, hiểu về tính không bị hủy hoại, tính tái sử dụng được của nước là những tri thức sống còn của nhân loại. Bởi nước thường làm con người khổ sở với thảm họa thiên nhiên: bão tố, lụt lội, băng tan… và cả hạn hán. Bao nền văn minh đã sụp đổ do những vấn nạn liên quan đến nước. 

Quá nhiều câu hỏi được đặt ra chờ đợi đáp án thỏa đáng nhất:

Vì sao có thể nói bản thân nước không trở nên khan hiếm hơn, nó chỉ đơn giản trốn khỏi chỗ mà người ta quen tìm - nơi con người của mọi nền văn minh coi chuyện có sẵn nước là điều hiển nhiên - để xuất hiện ở một chỗ nào đó khác?

Tại sao một số khu vực nổi tiếng là ẩm ướt trên thế giới lại khô hạn, trong khi lũ lụt nghiêm trọng lại diễn ra ở các khu vực nổi tiếng là khô hạn?

Tại sao nước lại đang được biến thành một loại hàng hóa đắt đỏ chẳng kém gì dầu khí, và tại sao nó lại đang ở đỉnh điểm của tranh chấp?

Rõ ràng, con người là những sinh vật lệ thuộc đặc biệt vào nước; thậm chí có thể nói nước là thứ định hình chúng ta… Con người có khả năng sống một tháng mà không có thức ăn, nhưng đa số chỉ có thể tồn tại vài ngày khi không uống nước.

Vậy mà chúng ta lại có xu hướng không để tâm đến nước: gây ô nhiễm, định giá quá rẻ và lấy quá nhiều quá nhanh từ môi trường vì lợi ích ngắn hạn. 

“Người ta từng nói nền văn minh hiện đại đã có một trăm năm kỷ nguyên vàng về nước, với cả ba thứ mà chúng ta vẫn coi là đương nhiên: thừa thãi, an toàn và rẻ mạt. Vâng, nhưng khoa học và kinh tế học về nước gần đây đã chứng minh rằng cả ba phẩm chất ấy của ‘nước sống còn’ sẽ không hiện diện cùng nhau nữa trong các thập kỷ sắp tới. Chúng ta có thể có nước thừa và rẻ, nhưng sẽ là ‘nước quay vòng’, dùng cho những việc như tưới cây, rửa xe, và có thể để uống; chúng ta chắc chắn phải uống nước an toàn, và nó có thể dư dật nhưng sẽ không còn rẻ. Thời hoàng kim của nước sắp kết thúc”. 

Đây là những cảnh báo hết sức cấp bách về cuộc khủng hoảng nước trên toàn cầu.

Cho nên, theo tác giả Charles Fishman, cuốn sách này là một nỗ lực “giải thoát nước khỏi bị xem nhẹ hơn là khỏi sự thiếu hiểu biết”, lý giải chủ yếu các vấn đề về mối quan hệ con người với nước. Cần một khuôn khổ xã hội học để suy nghĩ về định mệnh của nước, vì số phận của nước là tương lai của nhân loại. Điều thú vị là những bài tản văn không sa đà vào kể lể, than vãn mà vẫn ẩn chứa sự tươi mới của chính người viết. Ông hình dung ra một thế giới nơi việc bảo toàn, tiết kiệm nước là thói quen chứ không phải là giải pháp đối phó nhất thời. Qua giọng văn của Fishman, nước như rũ bỏ tấm áo tàng hình để rong chơi, khoe tài, thể hiện quyền uy và... trả thù loài người. Nó là một thực thể sống động đầy kỳ bí và cuốn hút, một thứ biểu tượng tạo ra cảm hứng cho chủ nghĩa lạc quan vĩnh cửu.

Đọc những đoạn trích dẫn sau có thể nhiều độc giả sẽ cười thật êm bởi sự đồng cảm lan tỏa khiến tâm hồn mỗi người không biến thành hoang mạc: “Ở bên cạnh dòng nước đẹp đẽ, tâm trạng khó mà buồn được. Những gì làm bạn bận lòng đều sẽ dịu đi khi bạn ở cùng với nước. Có dòng suối lung linh lanh lợi ở đó khiến bạn mỉm cười, cảm thấy dễ chịu hơn, bất kể đang vui hay đang buồn. Ở trong nước hầu như luôn luôn sảng khoái - bất kể là đang tắm, hay ở bể bơi, hay lướt sóng trên biển - cứ ở gần nước là sảng khoái”.

Thật vậy, dù gắn bó mật thiết từng phút từng giây nhưng nước ở vòi trong bếp, nước đóng chai nhập khẩu, nước tưới tiêu cho cây cối, các công trình thủy lợi vận hành nền công nghiệp... cho đến nước siêu tinh khiết trong công nghiệp vi mạch điện tử, những cột nước cao 200m ở đài phun cao nhất thế giới tại Dubai… được làm ra như thế nào? Phần đông chúng ta không biết. 

Nhưng độc giả đừng thất vọng bởi tất cả đều được giải đáp trong Cơn khát khủng khiếp của Charles Fishman. Văn phong lãng mạn, bay bổng và những dẫn chứng sinh động sẽ cuốn người đọc vào cuộc hành trình cùng với nguồn tài nguyên quý giá bậc nhất hành tinh, vừa là một cuộc du ngoạn, vừa là một cuộc biểu dương sức mạnh không thể thay thế. Cơn khát khủng khiếp sẽ vĩnh viễn thay đổi cách con người nghĩ về nước, mối quan hệ sống còn và cả những cách thức bảo vệ nước. Đặc biệt, tác phẩm của ông được sử dụng làm giáo trình đào tạo về thủy lợi trong nhiều trường đại học danh tiếng.

Charles Fishman (sinh năm 1961) đã ba lần giành giải Gerald Leob Award, giải thưởng cao quý nhất dành cho báo chí tài chính và kinh doanh. Các tác phẩm tiêu biểu: The Big Thirst (Cơn khát khủng khiếp), A Curious Mind (Hãy tò mò như một đứa trẻ) đồng tác giả với Brian Grazer, The Wal-Mart Effect (Hiệu ứng Wall-mart).