Lời tòa soạn:

Năm 2018, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an triển khai bố trí công an chính quy về xã. Thực tiễn cho thấy, lực lượng công an xã đã giúp ổn định tình hình cơ sở. Chủ trương này càng có ý nghĩa đặc biệt tại các xã biên giới trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Để đạt được kết quả trên, lực lượng công an xã chính quy đã ngày đêm âm thầm bám chắc cơ sở, thực hiện nhiều mặt công tác tại địa phương. Báo VietNamNet ghi nhận câu chuyện từ thực tiễn tại các xã biên giới. 

Khi thực hiện tuyến bài Công an chính quy giúp chuyển hóa địa bàn xã biên giới, PV VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Trung tướng Tô Ân Xô - Trợ lý Bộ trưởng, người phát ngôn Bộ Công an. Trong những chia sẻ của mình, Trung tướng Tô Ân Xô nhiều lần đề cập đến vai trò của lực lượng Công an ở cơ sở với việc nắm chắc địa bàn, chủ động trước các tình huống và trở thành điểm tựa bình yên của nhân dân. 

Tô Ân Xô .jpg
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an

Trung tướng có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trên các mặt công tác khi bố trí Công an chính quy về xã. Đặc biệt là vai trò của lực lượng Công an xã tại những địa bàn biên giới?

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quy định của Luật Công an nhân dân về xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, từ năm 2018 đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương điều động, bố trí hơn 53.000 cán bộ về công tác tại Công an xã, thị trấn (trung bình mỗi xã, thị trấn bố trí hơn 6 cán bộ).

Sau khi được điều động, đội ngũ Công an xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm quy trình, quy chế, kỷ luật công tác với phương châm “Công an tìm đến dân”, “gần dân, hiểu dân”, “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”.

Thông qua đó, lực lượng Công an chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ; tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; công tác quản lý hành chính về an ninh, trật tự được đẩy mạnh, an sinh xã hội được tăng cường.

Đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, lực lượng Công an xã đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, triển khai thực hiện quyết liệt các kế hoạch, chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật như: vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới, vượt biên trái phép, nhập cảnh trái phép, buôn bán người...

W-a58i3910-1.jpg
Công an xã Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu) đi thăm bản.

Đồng thời, chú trọng xây dựng các mô hình quần chúng bảo đảm an ninh trật tự, trong đó có nhiều mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả như: Điểm sáng an ninh vùng biên; Vì bình yên biên giới; Tổ tự quản an ninh, trật tự.

Cùng với đó, lực lượng Công an xã đã tăng cường công tác an sinh xã hội, công tác từ thiện, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, từng bước ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, tạo thế trận lòng dân vững chắc tại địa bàn cơ sở.

Qua đó, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thực sự trở thành “điểm tựa bình yên”.

Bộ Công an đã bố trí nguồn lực như thế nào trong việc xây dựng lực lượng Công an cơ sở tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng thực tiễn cuộc sống đòi hỏi ngày một cao như hiện nay, thưa Trung tướng?

Thực hiện Nghị quyết số 12 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và chủ trương của Bộ Công an về xây dựng lực lượng Công an cấp cơ sở, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng Công an cơ sở tinh nhuệ, hiện đại.

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương điều động, bố trí hơn 53.000 cán bộ về công tác tại Công an xã, thị trấn. Các cán bộ được lựa chọn điều động, bố trí đều là những cán bộ, chiến sĩ có năng lực, phẩm chất đạo đức và trình độ đáp ứng yêu cầu công tác tại địa bàn cơ sở. Đặc biệt có nhiều nữ cán bộ tự nguyện, xung phong về công tác tại Công an xã, thị trấn.

Lộ trình từ nay đến hết năm 2025, phấn đấu mỗi Công an xã, thị trấn có từ 8 biên chế trở lên; 100% cán bộ Công an xã, thị trấn có trình độ từ trung cấp Công an trở lên (trong đó có trên 60% cán bộ có trình độ từ đại học Công an trở lên); 100% cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình của Bộ Công an; 100% cán bộ tại địa bàn có đông người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng và sử dụng được tiếng dân tộc phù hợp với từng địa bàn.

lc 1660795631700 1.jpg
Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho Công an xã Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu) vì thành tích trong công tác.

Bên cạnh đó, Bộ Công an phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bố trí các nguồn lực, kinh phí để đầu tư cho Công an xã, thị trấn trong toàn quốc phục vụ các hoạt động thường xuyên, mua sắm trang thiết bị (phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị nghiệp vụ, thiết bị văn phòng) và đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở doanh trại tại các địa phương còn khó khăn, không bố trí được kinh phí.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, 100% Công an xã được đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc, sinh hoạt đáp ứng yêu cầu công tác; một số xã, thị trấn gần địa bàn trung tâm được phủ sóng hệ thống bộ đàm công nghệ số; đảm bảo hệ thống bảo mật thông tin báo cáo tới Công an các xã, thị trấn; 50% Công an xã, thị trấn thuộc 25 tỉnh (tỉnh miền núi, biên giới) có hội nghị truyền hình trực tuyến xã - huyện.

Thưa Trung tướng, các xã biên giới được biết đến là những địa bàn tiềm ẩn các nguy cơ mất an ninh, trật tự trong dân tộc, tôn giáo, xin ông thông tin về tình hình chung của các xã biên giới hiện nay sau khi bố trí Công an chính quy?

Cả nước hiện có gần 400 xã biên giới, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, đặc biệt là tại các xã địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự là một chủ trương đã được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an quan tâm thực hiện từ các nhiệm kỳ trước. 

Cụ thể, trong Nghị quyết 22 năm 2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng xác định rất rõ nhiệm vụ tăng cường cho công an cơ sở, với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở".

Đối với các địa bàn này, Bộ Công an đều bố trí từ 8 cán bộ Công an xã, đặc biệt thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã chính quy, năm 2021 Bộ Công an đã điều động gần 400 cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại các cơ quan Bộ về công tác tại các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.

a58i5169.jpg
Lực lượng Công an xã thường xuyên bám nắm địa bàn, tuyên truyền người dân tuân thủ pháp luật.

Đánh giá chung có thể thấy, lực lượng Công an chính quy đã đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ các vấn đề về an ninh, trật tự tại cơ sở.

Lực lượng Công an xã trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hướng dẫn các tổ chức quần chúng trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là phối hợp lực lượng truy bắt đối tượng truy nã, đấu tranh với hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.

Xin Trung tướng chia sẻ những đóng góp của lực lượng Công an xã trong việc triển khai Đề án 06/CP. Đối với các xã biên giới, việc quản lý dân cư chặt chẽ với dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống” có ý nghĩa như thế nào trong việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại cơ sở?

Lực lượng Công an xã là một trong những lực lượng xung kích, đi đầu trong việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025.

Để thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra, lực lượng Công an xã đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tăng cường làm thêm giờ, các ngày nghỉ, ngày lễ...  góp phần đẩy mạnh việc cấp căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. 

Đối với các xã biên giới, với đặc điểm dân cư thường xuyên biến động, người dân thường xuyên qua lại khu vực biên giới, việc triển khai thực hiện Đề án góp phần quản lý dân cư chặt chẽ với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, là cơ sở để vận dụng có hiệu quả các biện pháp quản lý Nhà nước và bảo đảm an ninh trật tự, nhất là bảo đảm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội thông qua hệ thống dữ liệu về y tế, lao động, thương binh và xã hội.

Đồng thời, vùng biên giới nhiều nơi điều kiện đi lại của người dân còn khó khăn, cách xa trung tâm huyện, việc ứng dụng Đề án 06 vào thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công thiết yếu như: Đăng ký tạm trú, cấp hộ chiếu phổ thông online, đăng ký cấp biển số môtô, xe máy... giúp quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm và đạt hiệu quả nhiều mặt.

Những kết quả đó có sự đóng góp to lớn, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng Công an xã để tạo nên sự chuyển đổi mạnh mẽ trên nền tảng số, góp phần thúc đẩy, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, lực lượng Công an xã ở biên giới vẫn đối mặt với những khó khăn nhất định. Xin Trung tướng cho biết những giải pháp trong thời gian tới nhằm giúp lực lượng Công an xã ở biên giới hoàn thành các nhiệm vụ được giao?

Quá trình thực hiện các mặt công tác của Công an xã biên giới, mặc dù nhận được sự quan tâm của Bộ Công an, Công an các cấp, của cấp ủy, chính quyền địa phương nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện của Công an xã còn chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện làm việc, sinh hoạt nhiều nơi chưa đảm bảo, còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh xây dựng trụ sở làm việc, đầu tư kinh phí, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nâng cao điều kiện làm việc cho đội ngũ Công an xã biên giới, qua đó, để lực lượng Công an xã biên giới đủ sức nắm chắc tình hình địa bàn, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!