Lời tòa soạn:

Năm 2018, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an triển khai bố trí công an chính quy về xã. Thực tiễn cho thấy, lực lượng công an xã đã giúp ổn định tình hình cơ sở. Chủ trương này càng có ý nghĩa đặc biệt tại các xã biên giới trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Để đạt được kết quả trên, lực lượng công an xã chính quy đã ngày đêm âm thầm bám chắc cơ sở, thực hiện nhiều mặt công tác tại địa phương.

Lá đơn xung phong lên biên giới

Năm 2021, khi Bộ Công an có chủ trương về việc tăng cường cán bộ lên công an xã biên giới nhằm mục tiêu “hướng về cơ sở”, Đại úy Khuất Bảo Trung (cán bộ Cục Pháp chế) là một trong những cán bộ đầu tiên viết đơn xung phong nhận nhiệm vụ. 

Trong cuộc trò chuyện với PV VietNamNet vào cuối tháng 9/2023, Đại úy Khuất Bảo Trung chỉ còn 20 ngày nữa sẽ hoàn thành nhiệm vụ tại xã biên giới Mù Cả. Chia sẻ về 2 năm gắn bó với đồng nghiệp và nhân dân xã Mù Cả, anh cho biết sẽ luôn nhớ về nơi đây với những ký ức đẹp. 

W-a58i4689-1.jpg
Đại úy Khuất Bảo Trung.

Đại úy Khuất Bảo Trung cho biết, tháng 9/2021 anh cùng đoàn cán bộ tăng cường từ Bộ Công an lên nhận nhiệm vụ tại Công an Lai Châu.

“Khi viết đơn xung phong lên xã biên giới, tôi xác định toàn tâm toàn ý hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng được điều động tới đâu tôi cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ”, Đại úy Khuất Bảo Trung chia sẻ.

Đại úy Trung nhớ mãi chuyến xe đầu tiên từ trung tâm huyện Mường Tè lên xã.  “Con đường từ Công an huyện lên xã men theo quốc lộ 4H cứ hun hút dần, càng đi càng thưa vắng nhà, vắng bóng người và dần lọt thỏm vào giữa bốn bề núi, rừng, đèo, sông. Lúc ấy, thoáng qua suy nghĩ của tôi có chút choáng ngợp với vùng đất lần đầu tiên mình được đặt chân đến nhận nhiệm vụ”, Đại úy Trung kể. 

Trụ sở Công an xã Mù Cả khi ấy chỉ là nơi làm việc tạm. Đại úy quê Hà Nội cùng đồng nghiệp dùng thép B40 rào chắn lại xung quanh nơi làm việc để tránh trâu, bò đi vào. Mất vài ngày cải tạo, nơi làm việc đã sẵn sàng phục vụ nhân dân và đảm bảo các nhiệm vụ.

W-lai-chau-986-1.jpg
Hình ảnh Đại úy Khuất Bảo Trung đưa cháu bé đi cấp cứu, tháng 7/2022.

Xã Mù Cả có diện tích rộng bằng nửa tỉnh Bắc Ninh, chiều dài từ điểm đầu đến điểm cuối xã cỡ khoảng 60km. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt và phân bổ không đồng đều, nhiều bản và điểm dân cư không có điện lưới, sóng điện thoại, đây là những khó khăn đối với công tác nắm địa bàn của Đại úy Trung và đồng nghiệp. 

Là cán bộ công tác 10 năm ở Cục Pháp chế - Đại úy Khuất Bảo Trung lên nhận nhiệm vụ tại xã biên giới Mù Cả với tâm thế sẽ mang những kiến thức, kinh nghiệm công tác tại cơ quan Bộ để chia sẻ cách làm với lực lượng công an tại cơ sở. 

“Tôi có thế mạnh trong việc tổng hợp các hệ thống văn bản, các báo cáo và các mảng công tác khác như cải cách hành chính. Có thời điểm, tôi được lãnh đạo Công an huyện giao nhiệm vụ tham mưu hỗ trợ một số nội dung liên quan đến các chủ trương mới”, Đại úy Khuất Bảo Trung nhớ lại. 

Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm với anh em tại cơ sở, Đại úy Khuất Bảo Trung còn được tham gia các nội dung nghiệp vụ cảnh sát. Một lần quật ngã đối tượng mua ma túy trên địa bàn xã khiến anh ấn tượng. 

“Vào tháng 6/2022, Công an xã Mù Cả chủ trì đón lõng, vây bắt một đối tượng mua, vận chuyển ma túy. Tôi cùng một cán bộ trực tiếp quật ngã và khống chế thành công đối tượng. Đây là kỷ niệm tôi rất nhớ, bởi từ khi khoác trên mình bộ cảnh phục, tôi chưa bao giờ tham gia một vụ vây bắt như vậy. Những trải nghiệm đầu tiên luôn khiến tôi nhớ mãi”, Đại úy Khuất Bảo Trung chia sẻ. 

W-dji-0201-2.jpg
Một góc xã Mù Cả. 

Hai năm gắn bó với mảnh đất và người Mù Cả, Đại úy Khuất Bảo Trung chiêm nghiệm điều anh học được nhiều nhất là công tác dân vận, cách làm việc gần dân, lắng nghe và giúp đỡ nhân dân. 

Cách đây một năm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tặng Bằng khen cho Công an xã Mù Cả khi có thành tích cứu giúp một cháu bé, đưa đến cơ sở y tế thành công. Đại úy Khuất Bảo Trung là người lái xe trực tiếp đưa cháu bé đi cấp cứu. 

Đó là buổi tối muộn tháng 7/2022, Công an xã Mù Cả nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của dân bản Mô Su về việc bé trai đau bụng dữ dội. Thời điểm này ở Mù Cả đang là mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. 

lc 1660795631700 1.jpg
Đại tá Nguyễn Viết Giang trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng tập thể Công an xã Mù Cả. Ảnh: XĐ

Ít phút sau cuộc gọi cầu cứu, Đại úy Khuất Bảo Trung cùng một đồng nghiệp tức tốc lên đường và dùng xe ô tô do Bộ Công an cấp để đưa nạn nhân đi cấp cứu. 

“Đêm ấy, tôi lái xe quãng đường hơn 70km xuyên rừng có đến hơn 20 điểm sạt lở để đưa cháu bé đi cấp cứu. Thật may mắn khi chuyến đi thuận lợi, cháu bé được các bác sĩ can thiệp cứu chữa kịp thời”, Đại úy Khuất Bảo Trung kể lại.

Đối với Đại úy Trung, những kỷ niệm khi về với dân nhiều không thể đếm hết. Những lần gặp gỡ, giúp người dân giúp anh học thêm nhiều điều.

“Ở Mù Cả, mỗi lần nhắc đến cán bộ Trung đi bản, sẽ có những bản, bà con giành nhau trong việc nhà nào mời cán bộ dùng cơm với gia đình”, Đại úy Trung cười khi nói về mối quan hệ gần gũi giữa anh và dân bản vùng biên. 

Làm công an xã 2 năm, Đại úy Trung cho biết bản thân rất vui và tự hào khi được con hỏi về công việc hàng ngày. 

W-z4732981972804-3c8998ef2f8ddb2e90306db688a46781-1.jpg
Đại úy Khuất Bảo Trung kêu gọi gia đình, bạn bè hỗ trợ nhân dân vùng biên. 

“Tôi luôn vui khi trả lời con về công việc ở xã biên giới – bố làm công an xã”, Đại úy Trung nói và chia sẻ, những câu chuyện ở xã biên giới đầy sinh động và lôi cuốn nên anh rất muốn chia sẻ với các con. 

Khi được hỏi về một kỷ vật sẽ mang về khi chia tay xã Mù Cả, Đại úy Trung cho biết, sẽ đề xuất với Công an huyện xin túi làm nhiệm vụ của công an xã. Trên chiếc túi này có dòng chữ tôi rất trân trọng: “Công an xã”. Đồng thời, khi ổn định công việc, anh sẽ về lại Mù Cả thăm và ấp ủ mang đến những chương trình từ thiện cho bà con nơi đây.

Thượng úy công an có duyên nợ với Mù Cả

Ở Mù Cả, câu chuyện về vợ chồng Thượng úy Sùng A Nhìa được nhiều người nhắc đến với nhiều duyên nợ khi có công an xã làm rể tại Mù Cả. Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở xã Tà Tổng (huyện Mường Tè), Thượng úy Nhìa bén duyên khi làm rể xã Mù Cả và được điều động nhận nhiệm vụ ngay trên quê hương vợ. 

W-370221048-813401777457076-742298428640212563-n-1.jpg
Thượng úy Sùng A Nhìa tại trụ sở Công an xã Mù Cả.

Thượng úy Sùng A Nhìa cho biết, anh và vợ quen biết nhau từ năm 2015 ở Hà Nội. Trong một chuyến dã ngoại, anh gặp một cô gái đồng hương huyện Mường Tè và từ đó lấy số điện thoại để liên hệ. Đến năm 2019, Thượng úy Nhìa và vợ làm thủ tục đăng ký kết hôn. 

Đến cuối năm, khi đang công tác tại xã Tà Tổng, anh được điều động lên làm nhiệm vụ tại xã Mù Cả. Mặc dù nhà vợ gần trụ sở công an xã nhưng đặc thù địa bàn rộng nên có thời điểm anh đi làm nhiều tuần mới về thăm gia đình. 

Công việc tại Mù Cả của Thượng úy Sùng A Nhìa đối mặt với nhiều khó khăn khi anh được giao nhiệm vụ nắm bắt địa bàn ba điểm dân cư Lù Khò, Cu Ma Cao và Cu Ma Thấp. Ba điểm bản này là kết quả của quá trình di dân tự do của người Mông đến từ nhiều địa phương trên cả nước. 

W-a58i3853-1.jpg
Thượng úy Nhìa đi nắm cơ sở tại điểm dân cư Lù Khò.

Để đến được các điểm dân cư trên, Thượng úy Nhìa phải trải qua quãng đường 40km, trong đó có gần 20km đường đất băng qua nương đồi, chỉ cần sơ sẩy thì rất dễ xảy ra tai nạn. 

“Gần như tuần nào tôi cũng vào thăm điểm bản một lần, có dịp cao điểm một tuần tôi đi vào 2-3 lần. Mỗi lần đi như vậy thời gian di chuyển đã mất từ 3-4 giờ”, Thượng úy Nhìa chia sẻ.

Theo Thượng úy Nhìa, bản thân anh là người Mông nên khi làm nhiệm vụ tại 3 điểm dân cư có 100% dân số là người Mông thì việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến bà con phát huy hiệu quả.

W-a58i3954-1-1.jpg
Thượng úy Nhìa luôn gần gũi nhân dân. 

Dù nhà vợ gần trụ sở công an xã nhưng Thượng úy Nhìa thường xuyên phải xa nhà đi nắm cơ sở. Có lúc cao điểm, anh xa nhà cả tháng. Vậy nên khi được hỏi về điều gì còn trăn trở tại Mù Cả, Thượng úy Nhìa tâm sự: "Tôi vẫn nợ vợ một đám cưới".

Theo chia sẻ của Thượng úy Nhìa, anh đăng ký kết hôn vào thời điểm dịch bệnh nên không thể tổ chức đám cưới, sau đó vợ sinh con nhỏ nên đến nay, hai vợ chồng anh đang lên kế hoạch, chọn ngày phù hợp tổ chức lễ cưới. 

"Hướng về cơ sở"

Năm 2021, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về việc tăng cường Công an xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, trong đợt 1, có 400 cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Công an được điều động về công tác tại Công an xã biên giới.

Chủ trương trên nhằm tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở các cấp Công an và xây dựng Công an xã chính quy. 

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an tại buổi gặp mặt cán bộ tăng cường Công an xã biên giới tháng 10/2021 khẳng định, chủ trương trên không chỉ để tăng cường, bổ sung lực lượng cho Công an xã mà đồng thời còn tạo điều kiện để các cán bộ được trải nghiệm, rèn luyện, thử thách, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn. 

Kỳ tới: Dấu ấn Công an chính quy giúp chuyển hóa địa bàn xã biên giới