Thực hiện đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, tại tỉnh Phú Thọ, trong số hơn 200 đơn vị hành chính cấp xã, có 3 cán bộ nữ được phân công đảm nhiệm vị trí trưởng công an. Mặc dù bước đầu gặp không ít khó khăn, thử thách, nhưng với tinh thần tất cả vì nhân dân phục vụ, những “bông hồng thép” đang ngày càng chứng tỏ được bản lĩnh trong môi trường mới.
Tại trụ sở UBND xã Hùng Long (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Thảo – Trưởng Công an xã chia sẻ, với 19 năm công tác tại Đội CSGT Công an huyện Đoan Hùng, đầu năm 2020, chị là 1 trong 3 nữ chiến sĩ được lãnh đạo Công an huyện “chọn mặt gửi vàng” phân công đến nhận công tác trên cương vị trưởng công an xã.
Nhớ lại thời điểm nhận nhiệm vụ mới, Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ rất lo lắng, bởi tuy có nhiều năm công tác nhưng bản thân chỉ làm việc tại các đội nghiệp vụ, tập trung vào một vài chuyên môn nhất định.
Khi ở cương vị mới sẽ phải quán xuyến hầu hết công việc liên quan đến các hoạt động trên địa bàn. Để không phụ sự kỳ vọng, giao phó của cấp lãnh đạo và người dân, chị liên tục đọc thêm sách, báo, học hỏi nâng cao kiến thức trong các lĩnh vực.
Thời điểm triển khai đưa công an chính quy về xã không lâu, Bộ Công an cũng triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là áp lực rất lớn cho đội ngũ công an xã trong cả nước nói chung.
“Để đảm bảo mọi công dân đều được cấp căn cước mới, định danh cá nhân, công an xã đã tuyên truyền, vận động từng người dân đi làm thủ tục. Có những trường hợp đi công tác xa, chúng tôi vận động người nhà chủ động gọi điện để thuyết phục. Nhiều trường hợp không đến được, công an xã đến tận nhà để làm. Trong đó, có những người mắc bệnh về thần kinh còn đánh đuổi, ném đá vào lực lượng công an, nhưng để đảm bảo các quyền lợi cho công dân, nhất là khi họ đi viện sẽ cần đến thẻ căn cước nên anh em quyết tâm làm đủ”, nữ Trưởng công an xã chia sẻ.
Công tác trên địa bàn còn tương đối khó khăn, đôi khi thường xuyên phải giải quyết những mâu thuẫn “dở khóc dở cười”.
Thiếu tá Thảo kể lại, chuyện xảy ra vào đêm muộn năm 2021, trực ban công an xã nhận được phản ánh của người vợ về việc chồng đi uống rượu say về đã quấy nhiễu khiến người vợ không thể ngủ được. Bực tức nên chị này đã đến công an trình báo.
“Dù mâu thuẫn rất nhỏ, nhưng do người chồng đã say rượu nên khi xảy ra mâu thuẫn không loại trừ khả năng mất kiểm soát mà gây ra hậu quả lớn.
Do vậy, công an xã đã theo người vợ trở về khuyên giải. Khi vừa thấy lực lượng công an chính quy, người chồng đã chịu giữ trật tự”, nữ Thiếu tá kể.
Theo Trưởng công an xã Hùng Long, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tội phạm. Để làm được điều này, trước hết phải tìm hiểu kỹ về đặc điểm, phong tục tập quán của dân cư.
Đơn cử, trên địa bàn xã Hùng Long có khu vực tập trung đông đảo đồng bào dân tộc Cao Lan. Những già làng, trưởng bản là người rất có uy tín. Do đó, để tuyên truyền chính sách, pháp luật tới người dân phải tiếp cận với những già làng trước. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự đã được nâng cao rõ rệt qua từng năm. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã Hùng Long không xảy ra bất kỳ vụ án hình sự nào.
Cô học viên trong vai nạn nhân vụ buôn người
Với thân hình nhỏ bé nhưng luôn hết mình với nhiệt huyết, Thiếu tá Trần Thị Thuý Lan – Trưởng Công an xã Thanh Minh (thị xã Phú Thọ) vốn là học viên theo chuyên ngành an ninh. Những năm 2006, trong quá trình thực tập tại Công an TP Việt Trì, chị Lan đã bén duyên và nhanh chóng trở thành dân điều tra.
Thời điểm đó, Thiếu tá Lan bất ngờ được giao nhiệm vụ cùng với một số nữ chiến sĩ tại đội cảnh sát hình sự thâm nhập vào đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới.
Để hoàn thành tốt “vai diễn” trở thành cô gái quê chân chất, cô học viên nhanh chóng thay đổi bản thân từ khâu ăn mặc, đầu tóc… cho đến tác phong, cách ăn nói. Sau khi đã biến mình thành đúng nhân vật, cả nhóm chính thức được tham gia nhiệm vụ.
Dù thời điểm đó, không được biết toàn bộ chuyên án, nhưng cô học viên cũng đã góp phần nhỏ vào thành công của chuyên án khi các đối tượng buôn người đều được bắt giữ tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Ấn tượng với nhiệm vụ “đầu đời” được giao, về sau chị Lan chính thức bước chân vào làm điều tra.
Sau khi chính thức được nhận công tác tại đội cảnh sát hình sự công an thị xã, chị đã tham gia vào nhập vai, trinh sát trong nhiều vụ án hình sự.
Sau hơn 10 năm công tác tại đội cảnh sát hình sự, từ năm 2017 đến nay, Thiếu tá Lan tiếp tục kinh qua nhiều đội nghiệp vụ. Với nhiều kinh nghiệm xử lý các vụ việc liên quan đến pháp luật và thủ tục hành chính, do đó chị không quá lo lắng khi được giao đảm nhận vai trò trưởng công an xã.
Thế nhưng, thời điểm đầu, bản thân chị Lan cũng gặp nhiều khó khăn, công việc đặc thù hơn, giải quyết nhiều lĩnh vực cùng lúc hơn. Từ sự cố gắng của bản thân và mỗi chiến sĩ trong đơn vị, những khó khăn, vướng mắc luôn dần được tháo gỡ.
Chia sẻ về bài học rút ra sau hơn 3 năm công tác tại cơ sở, Thiếu tá Lan cho biết: “Công an xã là lực lượng trực tiếp gần dân, cũng là nơi người dân gửi gắm, giải quyết rất nhiều việc cho mọi người. Do đó, người chiến sĩ công an xã nên cần đi sâu vào đời sống của nhân dân để hiểu hơn. Từ đó, khi có được sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của người dân thì làm việc gì cũng dễ dàng”.
Với sự phấn đấu, nỗ lực cống hiến, vượt qua những khó khăn của các nữ chiến sĩ công an đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.