Công ty TNHH Thành phố Aqua (thuộc Novaland) - chủ đầu tư dự án Aqua City (Đồng Nai), năm ngoái lỗ hơn 359 tỷ đồng, tương đương âm gần 1 tỷ đồng mỗi ngày.
Aqua City hai năm thua lỗ liên tiếp
CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) vừa có văn bản phản hồi về việc Công an TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến khu đô thị Aqua City.
Trong đó, Novaland cho biết, dưới áp lực khó khăn về tài chính kéo dài, một số ít khách hàng không đủ kiên nhẫn đồng hành cùng doanh nghiệp đã không chọn cách thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự tại cơ quan tòa án hoặc trọng tài mà chọn cách gửi đơn đến các cơ quan chức năng, trong đó có Cơ quan Cảnh sát điều tra tại TP.HCM.
“Chính vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM đã và đang thực hiện công tác xác minh thông tin theo trình tự, thủ tục luật định để có phản hồi chính thức đến khách hàng”, văn bản của Novaland nêu.
Ngoài các cơ quan chức năng có liên quan, doanh nghiệp này cũng nhận được yêu cầu xác minh thông tin và cung cấp hồ sơ của các dự án.
Novaland cho hay đang tích cực phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để làm rõ.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giao đất, nguồn gốc, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính... và các tài liệu khác liên quan đến các công ty con thực hiện khu đô thị Aqua City.
Aqua City từng được Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn khẳng định là "dự án mấu chốt, mang tính sống còn của Novaland".
Dự án do Công ty TNHH Thành phố Aqua - công ty con của Novaland - làm chủ đầu tư.
Theo thông tin công bố mới đây của Công ty Thành phố Aqua, doanh nghiệp này đã có hai năm thua lỗ liên tiếp kể từ khi công bố thông tin.
Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Aqua City đạt mức 1.131 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 10,09 lần, tương ứng số nợ phải trả khoảng 11.400 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng gần 2.400 tỷ đồng.
Năm ngoái, Aqua City lỗ hơn 359 tỷ đồng, tương đương âm gần 1 tỷ đồng mỗi ngày.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Gặp khó về trả nợ trái phiếu
Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Bộ Xây dựng mới đây về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cho hay, trong năm 2024, có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn khoảng 99.500 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Thành phố Aqua nằm trong số doanh nghiệp có nợ trái phiếu đáo hạn nghìn tỷ với 1.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova có nợ trái phiếu đáo hạn trong năm nay là 2.000 tỷ đồng.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Công ty Thành phố Aqua cũng có tên trong nhóm có khả năng gặp khó khăn trả nợ theo phân loại của Bộ Tài chính.
Cụ thể, theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023 và 2024 Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến 7 bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo lãnh đạo Chính phủ, để phân tích và nhận định rủi ro, Bộ Tài chính căn cứ vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu cung cấp cho HNX để chia doanh nghiệp theo 3 nhóm: rất khó khăn trong việc trả nợ, có khả năng gặp khó khăn trả nợ và các doanh nghiệp còn lại.
Bộ cũng lưu ý, việc phân loại này mang tính chất tương đối vì khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường xuyên biến động.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Theo phân loại trên, với 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn năm 2024, có 3 doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả nợ (âm vốn chủ sở hữu) là CTCP Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á (CTAC) với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu -8,8 lần; CTCP Phát triển BĐS Nhật Quang (NQBC) có vốn chủ sở hữu -3.960 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Smart Dragon (SMDC) vốn chủ sở hữu -2.520 tỷ đồng.
18 doanh nghiệp có khả năng gặp khó khăn trả nợ. Đây là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên.
Trong nhóm này có Công ty Thành phố Aqua-TPAC với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 8,9 lần.
Có tên trong nhóm 3, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova-NVL là 3,9 lần; CTCP Đầu tư địa ốc No Va-NVJC là 1,3 lần.
Báo cáo tài chính quý I/2024 của Novaland cho thấy, doanh nghiệp thua lỗ kỷ lục với con số hơn 600 tỷ đồng, dòng tiền âm nặng.
Tính tới cuối tháng 3/2024, Novaland còn tiền và các khoản tương đương tiền là gần 3.140 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng lên gần 140,9 nghìn tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả vẫn còn gần 191,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn hơn 35 nghìn tỷ đồng và vay dài hạn hơn 23,2 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ mức hơn 45,3 nghìn tỷ đồng hồi cuối năm 2023 xuống còn hơn 44,7 nghìn tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 4,29 lần.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh Novaland đang âm 2.507 tỷ đồng do giảm các khoản phải trả.
3.000 hợp đồng dự án Novaworld Phan Thiết ký ‘vượt khung’ sẽ được gỡ thế nào?Các quy định hiện hành của pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm, loại hình biệt thự để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án. Tuy nhiên, hiện nay, khoảng 3.000 hợp đồng với khách hàng đã được ký kết tại dự án Novaworld Phan Thiết.