Theo Reuters, trận so găng trực tiếp duy nhất giữa hai ứng viên sẽ bắt đầu lúc 19h GMT ngày 20/4 (3h giờ Việt Nam ngày 21/4). 

Tổng thống Emmanuel Macron (phải) và đối thủ cực hữu Marine Le Pen là hai ứng viên lọt vào vòng bỏ phiếu "chung kết" của cuộc tổng tuyển cử Pháp năm nay. Ảnh: RTL

Đối với bà Le Pen, người đang tụt lại phía sau ông Macron trong các cuộc thăm dò dư luận trước bỏ phiếu vòng hai vào ngày 24/4, cuộc tranh luận trực tiếp là cơ hội để bà thể hiện hiện bản thân có đủ tầm vóc để trở thành tổng thống và thuyết phục thêm nhiều cử tri rằng họ không nên sợ hãi khi chứng kiến phe cực hữu lên nắm quyền.

"Nỗi sợ hãi là lí lẽ duy nhất cho việc tổng thống đương nhiệm phải cố gắng trụ lại bằng mọi giá", bà Le Pen tuyên bố trong một video vận động tranh cử ngày 19/4, cáo buộc ông Macron đang bối xấu ý nghĩa của một nhiệm kỳ tổng thống do chính trị gia cực hữu nắm giữ đối với nước Pháp. 

Ngược lại, với đương kim Tổng thống Macron, thách thức lớn nhất có thể sẽ không phải là tránh tỏ ra kiêu ngạo, điều nhiều cử tri chỉ trích ông, trong khi xoáy sâu vào những lỗ hổng mà ông nhìn thấy trong các kế hoạch chính sách của đối thủ Le Pen và phát huy 5 năm kinh nghiệm cầm quyền của mình.

“Người Pháp hiện coi bà ấy là ứng viên tổng thống khả dĩ, không giống như năm 2017. Giờ đây, chúng tôi phải chứng minh bà ấy sẽ là một tổng thống tồi”, một nguồn tin thận cận ông Macron nói, đồng thời tiết lộ đương kim tổng thống sẽ chống lại các kế hoạch của bà Le Pen và chứng minh chúng "thiếu nhất quán và không thực tế".

Khi ông Macron và bà Le Pen lần đầu tiên cạnh tranh với nhau để giành chức tổng thống Pháp vào năm 2017, cuộc tranh luận khi đó đã trở thành thảm họa đối với ứng viên cực hữu chống nhập cư và hoài nghi Liên minh châu Âu (EU). Bà đã trộn lẫn các thông điệp và để mất vị thế của mình, trong khi cuộc tranh luận cho phép đối thủ Macron, một ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm khi đó thuyết phục các cử tri rằng ông phù hợp để trở thành lãnh đạo chính phủ. 

Nhiều điều đã thay đổi kể từ đó. Vị tổng thống theo đường lối ôn hòa, ủng hộ EU vẫn dẫn trước trong thăm dò dư luận nhưng khoảng cách với bà Le Pen đang thu hẹp hơn nhiều so với năm 2017. Ngoài ra, do ông Macron đã cầm quyền được 5 năm, bà Le Pen hiện có thể công kích những gì ông đã làm.

Tuy nhiên, ông Macron cũng có lợi thế riêng khi tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp hiện ở mức thấp nhất trong 13 năm và nền kinh tế nước này đang phát triển vượt trội so với các quốc gia lớn khác ở châu Âu, ngay cả khi lạm phát đang tăng lên. Ngoài ra, việc bà Le Pen từng công khai ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể chống lại bà vào thời điểm hiện tại. 

Giới phân tích đánh giá, điều then chốt đối với hai ứng viên hiện là cố giành được sự ủng hộ của các cử tri cánh tả.

Tuấn Anh

 >>> Đọc  tin thế giới trên Vietnamnet

Bầu cử tổng thống Pháp mở màn đầy kịch tínhCử tri trên khắp Pháp ngày 10/4 đi bỏ phiếu bầu tổng thống vòng đầu tiên, với ứng viên cực hữu Marine Le Pen được tin có thể tạo mối đe dọa bất ngờ cho hy vọng tái cử của Tổng thống Emmanuel Macron.