Cuốn sách Cơ Bản là Cơ Bản kể về cậu bé Cơ Bản 12 tuổi vốn học giỏi, khi học online cậu trở nên nổi tiếng như một thần đồng vì có năng khiếu đặt vè rất nhanh và hay. Cơ Bản vốn ít bạn, ở nhà học online khiến cậu bé gần như không có mối quan hệ bạn bè nào, dù là bạn ảo.

Mọi việc tưởng êm xuôi bởi Cơ Bản vẫn đứng đầu lớp, việc Cơ Bản biết làm vè khiến công việc bán hàng online của mẹ phát đạt... nhưng bố cậu phát hiện ra những thiếu hụt của cậu về kiến thức xã hội, giao tiếp xã hội và kỹ năng mềm…

Kỳ nghỉ hè, Cơ Bản được về quê nội - một vùng Mường cổ Thanh Hóa. Tại đây, cậu được khám phá các nét văn hóa đặc sắc như trò rối Chuộc, đêm chèo ma của người Mường. Với sự dẫn dắt của Huyền - cô em họ mê hát rap, cậu được học bơi trên sông, được cưỡi trâu, thả diều, tắm suối….

Từ một cậu bé “thần đồng” có phần kiêu ngạo, Cơ Bản nhận ra cậu hóa ra “mít đặc” khi xa rời các bài học của sách giáo khoa. Việc được tiếp xúc trực tiếp và trải nghiệm thực tế giúp cậu đánh thức sự háo hức tìm hiểu cái mới, khám phá những điều chưa biết.

Câu chuyện chia thành 2 nửa: Chuyện của Cơ Bản ở thành phố và chuyện của Cơ Bản lúc ở quê. Những câu chuyện thể hiện gắn kết giữa các miền văn hóa - dân gian và hiện đại, miền ngược và miền xuôi. Qua những đứa trẻ làm cầu nối như Cơ Bản, như Huyền, những giá trị văn hóa của hai vùng miền có cơ hội để chia sẻ, tiếp thu và hỗ trợ. Cơ Bản đã tìm thấy những gì mình còn thiếu nơi vùng núi, cũng như những cô bé cậu bé miền núi như Huyền có được sự giúp đỡ của các bạn thành phố để có nhiều cơ hội học tập và phát triển hơn.

Tác giả Huy Thông cho biết: "Trong những ngày dịch, các em học sinh gặp rất nhiều vấn đề, từ học hành đến sinh hoạt, đặc biệt là về tình cảm và trải nghiệm thực tế của các em. Nó diễn ra không như các em mong muốn. Vì thế tôi viết câu chuyện này để chúng ta hãy hiểu trẻ con hơn và đồng hành cùng các con để giúp các con vượt qua được những khó khăn như trong đợt dịch vừa rồi phải đối diện".

Nhận định về cuốn sách, nhà báo Hoàng Minh Trí cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đọc một quyển sách viết cho thiếu niên với ngôn ngữ rất lạ, miêu tả đời sống rất chân thực và tôi nghĩ trong cuốn sách này có rất nhiều kiến thức về kỹ năng mềm cho các con. Đây là cuốn sách rất bổ ích", nhà báo Hoàng Minh Trí chia sẻ.

Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Trịnh Đặng Nguyên Hương (Viện Văn học) đánh giá, cuốn sách mang lại cảm giác trong lành, dễ chịu. Nhưng nổi bật nhất là cuốn sách đầu tiên viết cho thiếu nhi về đề tài trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo chuyên gia văn học thiếu nhi này, với cuốn sách nhỏ chỉ vẻn vẹn 200 trang, tác giả Huy Thông đã bồi đắp cho con trẻ cái gốc rễ là tình yêu gia đình, quê hương, bạn bè, đồng thời cũng chắp thêm đôi cánh để trẻ tung bay khám phá chính mình, để trả lời câu hỏi của các em: "Tôi là ai?".

Tình Lê