Buổi tọa đàm Doanh nhân và sách diễn ra trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất tại Đường sách TP.HCM. Chương trình với sự tham gia của các diễn giả khách mời gồm doanh nhân Nguyễn Phi Vân, doanh nhân Trần Xuân Hải và Tiến sĩ Quách Tuấn Khanh. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Saigon Books giữ vai trò chủ trì tọa đàm.

Sự kiện tập trung các chủ đề về sách và sự gắn kết với doanh nhân. Thông qua việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ họ về những câu chuyện cuộc sống, qua đó hỗ trợ các bạn trẻ xác định đam mê và định hướng.

Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm "Doanh nhân và sách". 

Mục tiêu của tọa đàm là hướng đến xây dựng và hình thành văn hóa đọc không chỉ với doanh nhân mà còn lan tỏa đến tất cả mọi người nhằm nâng cao tư duy, kiến thức, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu và tối ưu hiệu quả trong công việc, cuộc sống

Đọc cần phải đi đôi với hành

Trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành xuất bản, vai trò của việc đọc sách được đẩy mạnh. Tuy nhiên, đọc thế nào cho hiệu quả và phù hợp là câu hỏi chung của rất nhiều người. Điều này được các diễn giả mang ra thảo luận tại tọa đàm.

Họ thống nhất chung quan điểm mỗi người có cách đọc sách khác nhau. Có người thích đọc chậm rãi, người khác thích đọc nhanh và tìm những nội dung then chốt để ghi nhớ. Tiến sĩ Quách Tuấn Khanh khẳng định cần xác định mục tiêu rõ ràng trước khi tiếp cận và đọc một quyển sách. Điều này cũng đồng nghĩa mỗi người cần chú trọng vào mục đích, hiệu quả đạt được, thay vì chú tâm việc phải đọc thật nhiều sách.

Đọc sách thế nào cho hiệu quả và áp dụng sách vào đời sống là 2 vấn đề được quan tâm. 

“Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng chạy theo việc đọc rất nhiều sách. Điều này cũng có cái hay nhưng mặt khác cũng dễ khiến họ quen với “văn hóa chém gió”. Một số trường hợp chỉ cần đọc tựa sách, đọc qua lời giới thiệu hay review là đã có thể tự tin mình hiểu hết cuốn sách, theo tôi điều này không nên vì cần chọn sách phù hợp và tạo cảm hứng đọc với mình”, tiến sĩ Khanh bày tỏ.

Trong khi đó, doanh nhân Nguyễn Phi Vân quan niệm sách là người dẫn đường tốt nhất. Chị có thói quen trước khi đến với một vùng đất mới sẽ tìm một quyển sách viết về nơi đó để đọc. Điều này giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa, nhân sinh, thế giới quan. Từ cách đọc này có thể áp dụng theo chủ đề, linh động thay đổi theo từng hoàn cảnh.

Doanh nhân Trần Xuân Hải nói anh đọc sách để tự đi tìm cái sai của chính mình. Những quan điểm chủ quan, sai lệch được anh dẹp bỏ để dần hình thành những thói quen, suy nghĩ theo hướng tốt hơn.

Nhiều độc giả, đặc biệt là đối tượng người trẻ tỏ ra băn khoăn về việc ứng dụng sách vào cuộc đời. Đây là vấn đề mang tính mở, mỗi người sẽ có cách nhìn nhận và áp dụng khác nhau. Điều cơ bản nhất là đọc sách để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, biết quản lý cuộc sống bản thân và từ đó lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh.

Ở thời đại 4.0, quá trình học tập, tiếp thu kiến thức luôn dễ dàng và thuận tiện. Trên nền tảng sách truyền thống và cả điện tử, mỗi độc giả hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình những đầu sách ưng ý, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng được nhấn mạnh là “Đọc phải đi đôi với hành”.

Theo các diễn giả, điều này vốn đã được tạo dựng từ khi ngồi trên ghế nhà trường với phương châm “Học đi đôi với hành”. Do đó, việc đọc sách cũng cần nên được áp dụng tương tự để đạt hiệu quả cao nhất. Những nội dung, kiến thức từ sách cần được tiếp thu, tích lũy và vận dụng vào cuộc sống hằng ngày.

Mỗi doanh nhân đều có thể trở thành tác giả sách 

Các diễn giả nhấn mạnh doanh nhân ngoài làm kinh tế còn mang trọng trách chia sẻ và lan tỏa những kinh nghiệm thương trường và giá trị đạo đức trong kinh doanh thông qua sách. Muốn thế, họ cần tích cực đọc, chủ động viết sách và lan tỏa tình yêu sách đến nhân viên, công ty và những đối tác, bạn bè.

Mỗi người làm chủ doanh nghiệp, công ty cũng cần phải xây dựng thói quen đọc sách cho nhân viên. Bởi lẽ, đọc để không chỉ tạo ra lợi nhuận mà đọc để tạo ra những giá trị tinh thần Qua đó, hình thành phông văn hóa và đóng góp tích cực cho công việc và xã hội. Những điều này không được dạy trên nhà trường nên cần thời gian trải nghiệm, mà sách là phương tiện hiệu quả nhất.

Tọa đàm thu hút đông người tham dự trong dịp cuối tuần. 

Tiến sĩ Quách Tuấn Khanh nhận định công thức để định nghĩa một người doanh nhân thành công trước hết họ phải hạnh phúc với cuộc sống, công việc của mình. Ngoài ra, xu thế trên thế giới hiện nay một người muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi trước hết phải tỉnh thức bản thân. Họ phải biết cách sống, cách làm việc và đóng góp giá trị cho cuộc đời.

Doanh nhân là con người, trước khi nghĩ những thứ cao siêu cần học cách sống là thứ cơ bản nhất. Việc đọc sách để mỗi người chuẩn bị cho mình tâm lý tốt. Có những thời điểm xảy ra khủng hoảng, thử thách thì sách cũng được xem là cái phao để mỗi người tự cứu mình.

Tiến sĩ Khanh động viên những người doanh nhân từ những trải nghiệm của mình có thể chủ động viết sách. Với sự giúp đỡ từ đội ngũ tư vấn viết sách, tư vấn tác giả hay “ghost writer” (người được thuê để viết - PV) giúp nhân vật biết cách khai thác, kể lại câu chuyện của mình và trở thành tác giả. Mặt khác, khi sở hữu sách cũng giúp doanh nhân xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, truyền thông cho cá nhân và công ty.

Kết thúc tọa đàm, các đại biểu tổng kết mỗi người sẽ có con đường và sứ mệnh khác nhau trong cuộc đời. Do đó, những kiến thức được đọc, nghe hay tiếp thu chỉ mang giá trị tham khảo. Điều quan trọng từng cá nhân biết tự tìm ra những gì phù hợp với mình và không nên tạo áp lực, hoang mang trước những thành công của người khác.

Tuấn Chiêu

Cần nỗ lực xây dựng văn hóa đọc cho giới trẻ Việt NamViệc tạo cảm hứng và duy trì thói quen đọc sách trong giới trẻ, qua đó góp phần nâng cao văn hóa đọc tại Việt Nam được thảo luận sôi nổi trong tọa đàm 'Sách và thanh niên'.