Bỗng dưng phải nộp thuế 2 lần cho hàng hóa nhập khẩu từ vài năm trước khiến hàng loạt doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn, từ lãi thành lỗ, khiếu kiện triền miên.

Cầm cố tài sản để nộp tiền truy thu

Một doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tải có tiếng ở Việt Nam than phiền rằng, ông đang đau đầu với lệnh truy thu thuế bất ngờ từ cơ quan hải quan suốt 1 năm qua.

Số là, các lô hàng của công ty nhập khẩu từ năm 2012 nhưng đến năm 2014, tức 2 năm sau, hải quan địa phương bỗng dưng ra Quyết định ấn định thuế, mức truy thu là 11 tỷ đồng.

Không phục với quyết định này, suốt 1 năm nay, doanh nghiệp đã nhiều lần khiếu nại nhưng không được chấp nhận. Cuối cùng, doanh nghiệp này đành phải chọn cách cuối cùng là khởi kiện đơn vị hải quan ban hành quyết định trên ra tòa.

“Hiện nay hồ sơ liên quan đến vụ việc chúng tôi đã gửi lên Ban pháp chế của Tổng công ty để giải quyết” – đại diện DN ô tô này cho biết.

{keywords}
Cơ quan hải quan thường có các lệnh truy thu thuế bất ngờ khiến DN lao đao (ảnh mang tính minh họa)

Gần đây nhất, hàng loạt doanh nghiệp sữa khiếu nại quyết định truy thu khoảng 700 tỷ đồng của cơ quan hải quan. Cuối cùng là Bộ Tài chính cũng đã đứng về phía DN, chỉ rõ những bất hợp lý trong việc truy thu này.

Cách đây ít lâu, nhiều doanh nghiệp thép cũng đứng ngồi không yên khi bị truy thu hàng chục tỷ đồng cho các lô hàng thép nhập khẩu từ hơn 2 năm trước. Doanh nghiệp ít thì bị truy thu 4-5 tỷ đồng, nhiều thì lên tới hơn 18 tỷ đồng.

Nhắc đến câu chuyện này, lãnh đạo một doanh nghiệp thép ở Thái Nguyên bức xúc: "Chúng tôi đã phải nộp số tiền bị truy thu bởi không nộp không xong. Bởi vì nếu không nộp, hải quan không cho thông quan đối với những lô hàng nhập khẩu mới".

Những quyết định truy thu tiền tỷ đột ngột này như “sét đánh ngang tai” với nhiều doanh nghiệp khiến DN bị động, vỡ kế hoạch kinh doanh.

“Truy thu như vậy rất bất cập. Hoạt động sản xuất kinh doanh năm nào chúng tôi quyết toán năm ấy. Với thuế suất cũ, kinh doanh như vậy là có lãi. Giờ đúng sai không thể phân xử ngay trong khi việc áp thuế cao hơn và phải nộp ngay khiến chúng tôi bị động. Kinh doanh đã khó nay càng khó hơn", vị lãnh đạo doanh nghiệp trên bộc bạch.

Trong đơn khiếu nại vì bị truy thu xấp xỉ 5 tỷ đồng, một doanh nghiệp thép “than”: Công ty chúng tôi phải đi cầm cố, thế chấp tài sản để vay ngân hàng mới có tiền tạm nộp số thuế ấn định này. Trong khi đó, tình hình kinh doanh mặt hàng sắt thép hết sức khó khăn, hàng hóa ngày càng xuống giá, không có tiền để thanh toán tiền lương cho công nhân, nợ đến hạn phải trả bị chuyển sang nợ quá hạn là gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp".

Phát khóc: lãi hóa lỗ

“Một chủ doanh nghiệp nữ đã gần như rơi nước mắt khi kể lại chuyện doanh nghiệp của bà bị truy thu gần 300 triệu tiền thuế, cho các khoản thuế mà từ năm 2009 đến nay, tức gần 6 năm”, ông Nguyễn Quang Đồng, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) cũng không nén nổi bức xúc khi kể lại.

Đó là chuyện ông nghe được trong một cuộc gặp với 40 doanh nghiệp gần đây và hầu hết 40 doanh nghiệp này đều đồng loạt gay gắt lên tiếng khi họ bị truy thu thuế một cách bất ngờ. Còn chuyện kiện cáo là bước đường cùng, chả ai mong muốn. Mà theo kiện có khi kéo dài cả năm, chưa được 'vạ má đã sưng'.

{keywords}

Một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng dầu thực vật bị truy thu 8 tỷ đồng lo lắng, chúng tôi đã bán ra thị trường các sản phẩm được căn cứ vào đơn giá đầu vào cũ và chưa tính toán đến khoản tiền bị truy thu. Nay bị truy thu 8 tỷ nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh.

Cùng chung nỗi niềm này, một doanh nghiệp kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng cũng xót xa khi bị truy thu hơn 1 tỷ đồng cho những lô hàng nhập khẩu từ năm 2009-2013. Theo công ty này, nếu truy thu thuế từ năm 2009 đến thời điểm 2013, công ty không thể có tiền, không thể tính lại giá và thu tiền được từ khách hàng để nộp thuế. Do đó, việc truy thu thuế tại thời điểm những năm qua có thể làm doanh nghiệp từ lãi thành lỗ với mức 5%-14%.

Theo Luật Hải quan, ngành hải quan được phép kiểm tra sau thông quan với hàng hóa trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và nếu phát hiện sai phạm thì có quyền truy thu hồi tố.

Tuy nhiên, như lãnh đạo một doanh nghiệp thép kiến nghị, "nếu thời điểm chúng tôi nhập khẩu lô hàng, cơ quan hải quan đã đồng ý với thuế suất như doanh nghiệp kê khai thì không nên truy thu nữa. Cơ quan hải quan có thể áp mã mới cho những lô hàng nhập khẩu mới của công ty để chúng tôi chủ động trong sản xuất kinh doanh", vị này bày tỏ.

Thuế nhập khẩu là một khoản chi phí trực tiếp trong cơ cấu giá thành sản phẩm, là cơ sở để các doanh nghiệp xác định giá bán. Một lệnh truy thu hồi tồ trong vòng 5 năm có thể biến doanh nghiệp đang lãi thành lỗ.

Đó cũng là lý do mà sau vụ truy thu 8 doanh nghiệp sữa, nhiều đại sứ các nước đã bày tỏ bức xúc, Việc truy thu bất ngờ như vậy sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào sự minh bạch của môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Hà Duy