Tháng 9/2023, báo VietNamNet đã đăng tải loạt 5 bài về Góc khuất của các "đại gia" xăng dầu. Trong đó đề cập đến những dấu hiệu bất thường từ các khoản nợ thuế khủng của các đại gia xăng dầu; Quỹ bình ổn giá bị chiếm dụng, quản lý lỏng lẻo; việc cấp phép xăng dầu kiểu "mượn đầu heo nấu cháo", chiết khấu 0 đồng, gián đoạn nguồn cung...

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý xăng dầu công bố ngày hôm qua (4/1) đã làm lộ sáng những mánh lới bất thường của các đại gia xăng dầu cùng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý.

xuyen viet oil.jpg
Hai lãnh đạo xăng dầu Xuyên Việt Oil đã bị bắt.

Nợ thuế nghìn tỷ, vẫn chi tiền cho "sếp lớn" vay

Theo Thanh tra Chính phủ, do Tổng cục Thuế và nhiều Cục Thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được kiểm tra đã phát hiện nợ thuế bảo vệ môi trường (BVMT) hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm. Đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Khoản thuế này các DN chỉ giữ vai trò thu hộ Nhà nước.

Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, thường xuyên kê khai thuế BVMT lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp. Điều này dẫn đến, từ năm 2018 đến hết năm 2021, tổng số tiền thuế BVMT kê khai lần đầu và tổng số tiền thuế BVMT kê khai lại tăng thêm là 3.287 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tại thời điểm 31/10/2022, một số đầu mối xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách Nhà nước số tiền thuế BVMT là 6.323 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 đầu mối được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường là 3.219 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, mặc dù còn nợ ngân sách tiền thuế BVMT nhưng một số thương nhân đầu mối đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.

thien minh duc 1 4 1106.jpg
Nợ thuế lớn, Thiên Minh Đức vẫn cho ông Chu Đăng Khoa và bà Chu Thị Thành mượn số tiền 7.485 tỷ đồng. 

Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (từ năm 2017 đến năm 2022) cho ông Chu Đăng Khoa, Phó Tổng giám đốc và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT công ty mượn số tiền 7.485 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân nêu trên còn nợ Công ty tổng số tiền là 1.396 tỷ đồng. 

Được biết, Thiên Minh Đức đang nợ thuế hơn 728 tỷ đồng và đang bị cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn từ tháng 7/2023-7/2024. Bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã âm vốn chủ sở hữu 462 tỷ đồng; nợ Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường 1.246 tỷ đồng; nợ Quỹ bình ổn giá là 212 tỷ đồng, sơ bộ Công ty nợ 1.920 tỷ đồng. Thế nhưng công ty cho bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty nợ 2.978 tỷ đồng (bà Hạnh đã bị bắt từ tháng 9/2023 -PV)

Lỏng lẻo quản lý Quỹ bình ổn

Theo Thanh tra Chính phủ, từ việc áp dụng biện pháp lập Quỹ bình ổn giá thường xuyên, liên tục, chưa theo Luật Giá; cơ quan quản lý Quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ BOG, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG, việc quản lý Quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ.

Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng.

Điều này dẫn đến, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền là 7.927 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2021, khi kết thúc năm tài chính, các đầu mối xăng dầu, các ngân hàng thương mại nơi các thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ BOG không gửi sao kê về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo quy định... Điều này dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước không nắm rõ về số dư đầu kỳ, số trích lập, số sử dụng, phần lãi phát sinh, số dư Quỹ BOG.

Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo thẩm quyền đối với các DN đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần. Điều đó khiến Quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu.

Cấp phép nhiều nhưng thiếu giám sát

Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022, Bộ Công Thương cấp 37 Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (chưa bao gồm 04 giấy phép cấp cho thương nhân đầu mối xăng dầu cung cấp cho hoạt động hàng không) và cấp 347 Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối (TNPP).

Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, việc cho phép thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận chưa khuyến khích các thương nhân đầu mối đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu về kho dự trữ xăng dầu thương mại. Từ năm 2017 đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng kho xăng dầu thương mại theo quy hoạch chỉ đạt 15%.

Các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều thương nhân đầu mối và TNPP ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phí.

"Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối và TNPP", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cảnh báo nóng chưa hề cũ để dẹp loạn đầu mối xăng dầuNhững bất cập trên thị trường xăng dầu đã được chỉ rõ, thậm chí đã từng được chính các cơ quan quản lý liên quan cảnh báo. Giờ đây, việc hoàn thiện các quy định, công cụ giám sát về cấp phép, quản lý thuế, Quỹ bình ổn... là cấp bách.