Sự cố xảy ra sáng sớm nay (20/7) theo giờ địa phương. Reuters trích dẫn một nguồn thạo tin cho biết, không có nhân viên nào của đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Iraq bị thương. Người này không tiết lộ thêm các thông tin khác.

Những người biểu tình tụ tập gần đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, Iraq vài giờ sau khi cơ sở này bị đột kích và phóng hỏa rạng sáng 20/7. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thụy Điển từ chối đưa ra bình luận về vụ việc. Trong khi, Bộ Ngoại giao Iraq lên án vụ tấn công Đại sứ quán Thụy Điển, đồng thời cho hay Baghdad đã chỉ thị cho các lực lượng an ninh nhanh chóng tiến hành điều tra, xác định thủ phạm và buộc những kẻ này phải chịu trách nhiệm.

Cuộc biểu tình hôm 20/7 diễn ra theo lời kêu gọi của những người ủng hộ giáo sĩ Shi'ite Muqtada Sadr nhằm phản đối kế hoạch đốt kinh Koran lần thứ 2 ở Thụy Điển trong vòng vài tuần.

Hãng thông tấn TT của Thụy Điển hôm 19/7 đưa tin, cảnh sát nước này đã chấp nhận đơn xin tổ chức một cuộc tụ họp công khai bên ngoài Đại sứ quán Iraq ở Stockholm vào ngày 20/7. Theo TT, 2 người tổ chức sự kiện dự định đốt kinh Koran và quốc kỳ Iraq.

Một trong 2 người nói trên từng đốt kinh Koran bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở Stockholm hồi tháng 6. Cảnh sát Thụy Điển buộc tội ông ta kích động chống lại một nhóm dân tộc hoặc quốc gia.

Vụ đốt kinh Koran nói trên đã dẫn đến sự phản đối từ chính phủ của một số quốc gia Hồi giáo, bao gồm cả Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Jordan và Maroc. Iraq thậm chí yêu cầu dẫn độ người đàn ông này để xét xử tại đất nước họ. Cuối tháng trước, giáo sĩ Sadr đã kêu gọi biểu tình phản đối Thụy Điển và trục xuất đại sứ của nước Bắc Âu này.

Mỹ cũng lên án vụ việc, nhưng lưu ý việc Thụy Điển cấp phép đã cho thấy sự ủng hộ quyền tự do ngôn luận, nhưng không phải chấp nhận hành động này.